Saturday, November 9, 2019

Việt Nam trong cơn bão dân chủ tại Đông Âu

Cuộc cách mạng dân chủ tại Đông Âu đã tác động mạnh mẽ vào Việt Nam. Lúc đó, từng người, tùy theo vị trí trong xã hội, đã có những phản ứng khác nhau.

Giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam thì cố bưng bít mọi tin tức hoặc diễn giải sai lạc về những diễn biến xảy ra ở các nước Đông Âu và cương quyết chống lại xu hướng đa nguyên chính trị, cho đó là đầu dây mối nhợ đưa đến sự sụp đổ của chế độ và sự mất độc quyền cai trị của đảng. Họ tiếp tục cố thủ trong lô cốt giáo điều Mác-Lê để duy trì độc quyền cai trị, dù biết là chủ nghĩa này đã phá sản.

Giới trí thức, văn nghệ sĩ và một số đông cán bộ đảng viên thì nhìn rõ là chủ nghĩa Mác - Lê không còn là ý thức hệ “ưu việt” như họ đã bị nhồi nhét và tin tưởng một cách mù quáng trong quá khứ. Trong số này, đã có người can đảm nhìn ra rằng chính ý thức hệ Mác - Lê đang là chướng ngại ngăn cản đà phát triển của đất nước và sự tiến bộ của dân tộc. Đặc biệt là đã có một số văn nghệ sĩ viết bài ca ngợi dân chủ đa nguyên và tố cáo những tệ nạn trong xã hội do chế độ cực quyền sản sinh ra.

Trong khi đó, vì bị chế độ bưng bít mọi luồng thông tin từ bên ngoài và bị bộ máy tuyên truyền diễn dịch sai lạc về mục tiêu đấu tranh của các phong trào dân chủ tại Đông Âu, đại đa số quần chúng ở trong nước đã không có nhận thức rõ ràng về các biến cố này nên đã tỏ thái độ thờ ơ. Một thiểu số tuy biết rõ các diễn biến nhờ những liên lạc và tin tức chia xẻ từ một số người thân đang tu nghiệp hoặc đang lao động tại các nước Đông Âu, nhưng cũng chỉ có phản ứng chờ đợi.


Điều bất hạnh là vào thời gian này, những nhân vật đấu tranh tiêu biểu ở trong nước như Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Linh mục Trần Đình Thủ, ông Võ Đại Tôn… lại ở trong vòng lao lý hay dưới sự quản thúc của chế độ. Chỉ có người Việt tại hải ngoại, trực tiếp theo dõi những diễn biến tin tức qua các hệ thống truyền thanh và truyền hình quốc tế, thì rất phấn chấn trước những biến cố dồn dập tại Đông Âu, nhưng phản ứng nói chung lại rất phức tạp.

Một số người có ý nghĩ “bất chiến tự nhiên thành,” tức chờ đợi đảng Cộng sản Việt Nam tự tan rã do mất chỗ dựa vào khối Cộng sản quốc tế. Một số người khác thì chờ đợi những giới trí thức ở trong nước vùng lên làm cuộc chuyển đổi lịch sử. Những người tích cực trong các tổ chức đấu tranh thì tìm cách chuyển tin tức về trong nước và hỗ trợ những tiếng nói đối kháng để dấy lên phong trào dân chủ hóa Việt Nam.

Lược qua một số phản ứng của từng thành phần nói trên, chúng ta thấy những người có điều kiện theo dõi các diễn tiến tại Đông Âu đều thấy rõ là chủ nghĩa Mác - Lê đã phá sản, kể cả một số người nằm trong thành phần lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng vào lúc đó, lực lượng đấu tranh của người Việt còn quá non yếu, trong khi quần chúng lại bị bưng bít và thiếu lãnh đạo nên đã không thể phát động một cao trào nhằm tạo ra những xoay chuyển cần thiết.

Tuy nhiên, chính nhờ những biến chuyển này mà người Việt Nam đã rút kinh nghiệm để nuôi dưỡng phong trào đấu tranh, tiếp tục đối kháng và gây khó khăn rất nhiều cho chế độ Hà Nội trong nhiều năm qua, với một số những diễn biến đáng chú ý sau đây.

TỪ ‘CỞI’ ĐẾN ‘TRÓI’ CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Cho đến năm 1985, nền kinh tế Liên Xô và các nước Cộng sản nói chung đã gặp những bế tắc và áp lực không thể cưỡng lại của tình thế. Thứ nhất là tình trạng nghèo khốn và cùng quẫn của dân chúng đã gây nên những sức ép trong xã hội. Thứ hai là tình trạng quan liêu, cửa quyền của guồng máy nhà nước đã làm mất hiệu năng kinh tế. Thứ ba là tình trạng suy đồi và thoái hóa của guồng máy đảng đã làm cản trở mọi chính sách cải tổ.

Để cứu vãn tình thế, tại Đại hội Toàn Đảng lần thứ 27 vào tháng 7, 1985, ban lãnh đạo đảng Cộng sản Liên Xô đã phải đưa ra chủ trương “cởi mở” (Glasnost), và “tái phối trí” (Perestroika) guồng máy chính trị, kinh tế và xã hội.

Mục tiêu chính của Perestroika là tái phối trí lại bộ máy sản xuất, cải thiện hiệu quả lao động của dân chúng hầu giải quyết bài toán thiếu hụt kinh tế. Ưu tiên bành trướng đế quốc cộng sản đã được tạm hoãn để quay về giải quyết những vấn đề nội chính, qua việc thu hút tài nguyên và kỹ thuật của Tây phương, cần thiết cho sự tái phối trí và nâng cao hiệu năng kinh tế. Qua chủ trương này, Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô thời đó là Mikhail Gorbachev đã chỉ thị các đảng cộng sản chư hầu phải rập khuôn làm theo, mở đầu cho những biến cố xảy ra ở Đông Âu.

Đảng Cộng sản Việt Nam không là một biệt lệ, và đang bị khủng hoảng trầm trọng về cả kinh tế, chính trị lẫn xã hội sau 10 năm (1975-1985) “cải tạo” miền Nam để “tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc” lên xã hội chủ nghĩa, nên cũng đã phải thay đổi chính sách theo Liên Xô. Từ những năm 1984, qua sự chỉ đạo của các cố vấn Liên Xô, Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đã tập trung chấn chỉnh về mặt lưu thông phân phối, đặc biệt là thị trường, giá cả, tiền lương, và tiền tệ nhưng vẫn theo cơ chế cũ nên hoàn toàn thất bại.

Đến tháng 5, 1986, tại hội nghị lần thứ 10 của ban chấp hành Trung ương đảng, lãnh đạo Hà Nội mới nhận ra rằng những sai lầm trong việc chỉ đạo công tác giá, lương, tiền đã tạo thêm tình trạng khủng hoảng nên mới “hạ quyết tâm” xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, tức là xoá bỏ cơ chế kinh tế tập trung bao cấp để chuyển sang cơ chế thị trường.   Tháng 12, 1986, đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức đại hội đảng kỳ VI dưới khẩu hiệu “đổi mới” và “cải tổ cơ cấu” theo bước đi của Gorbachev. Đây cũng có thể coi là đại hội chỉnh đảng quan trọng vì hàng loạt cán bộ thuộc cánh Lê Duẩn (ông Lê Duẩn chết vào tháng 7, 1986) bị loại ra khỏi Trung ương đảng.

Đại hội đảng Cộng sản kỳ VI đã bầu Nguyễn Văn Linh làm Tổng bí thư, bắt đầu cho áp dụng một số cải tổ theo xu hướng đổi mới. Lúc đó, Bộ chính trị và Trung ương đảng tập trung giải quyết bài toán khủng hoảng kinh tế trên căn bản xóa bỏ chế độ tập trung bao cấp, bãi bỏ chính sách hai giá, thực hiện chế độ khoán hộ để khuyến khích nông dân canh tác hầu giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực, bắt đầu cho các xí nghiệp quốc doanh tự quản và công nhận nhiều thành phần kinh tế hoạt động bên cạnh quốc doanh và tập thể, theo xu hướng kinh tế thị trường.

Từ cuối năm 1987, Trung ương đảng bắt đầu thảo luận về công tác đổi mới tổ chức, cán bộ và năng lực lãnh đạo các cấp đảng ủy để giảm thiểu tình trạng quan liêu, tiêu cực trong đảng cũng như ngoài xã hội. Hỗ trợ cho nỗ lực này, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với bút hiệu N.V.L. đã viết một loạt bài “Những Việc Cần Làm Ngay” đăng trên Nhật báo Nhân Dân, từ ngày 25 tháng 5, 1987, tạo sự quan tâm trong dư luận. Loạt bài của Nguyễn Văn Linh đã mở màn cho giai đoạn xuất hiện một số bài viết nêu bật các tệ đoan xã hội, nạn cường hào ác bá địa phương, nạn tham nhũng cửa quyền của cán bộ đảng trên một số báo.

Sau những loạt bài của Nguyễn Văn Linh, Bộ chính trị đã bật đèn xanh cho đội ngũ văn nghệ sĩ của đảng bắt đầu tham gia cái gọi là “chiến dịch chống tiêu cực” trong xã hội và trong các cơ sở đảng. Chính sự bật đèn xanh này, có thể nói là trong giai đoạn đầu khi Nguyễn Văn Linh lên cầm quyền đã tạo ra một sinh khí mới trong các hoạt động của giới văn nghệ sĩ. Bộ chính trị còn cho phép  Tướng Trần Độ, lúc đó là trưởng ban Văn hoá – Văn nghệ Trung ương, đứng ra tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Văn Linh với gần 100 văn nghệ sĩ, trí thức tại Hà Nội vào hai ngày 6 và 7 tháng 1, 1987, với mục tiêu vận động tinh thần của giới này tham gia vào chiến dịch “sửa sai.”

Từ năm 1988 bắt đầu xuất hiện thêm những cây bút lý luận như Lữ Phương, Hà Sĩ Phu, Lê Ngọc Trà, Phạm Xuân Nguyên và Lại Thiên Ân, tạo ra những cuộc bút chiến giữa họ và các cán bộ tuyên huấn của đảng về quan niệm giữa văn nghệ và chính trị, đòi đảng chấp nhận sự độc lập của văn nghệ.

Một số bài viết khác đề cập về dân chủ hóa, phủ nhận chủ nghĩa xã hội, đòi đa nguyên đa đảng đã tạo sự quan tâm trong quần chúng. Trong giai đoạn này, nhiều hội văn nghệ sĩ địa phương được thành lập và cho ra đời một số báo địa phương như tờ Sông Hương ở Huế, tờ Langbiang ở Lâm Đồng, tờ Đất Quảng ở Đà Nẵng, tờ Nghĩa Bình ở Quy Nhơn, hay tờ Cánh Én ở Phú Khánh.

Những bài viết công kích chủ nghĩa xã hội, đòi hỏi đảng phải thực thi dân chủ hóa, nhất là vạch trần những tội ác của cán bộ lãnh đạo đảng ở cấp trung ương lẫn địa phương, đã tạo rất nhiều khó khăn cho nội bộ đảng vì vai trò lãnh đạo của đảng bị thách đố. Trong khi đó, những biến chuyển chính trị ở các nước Đông Âu cũ như Ba Lan, Hung Gia Lợi hay Tiệp Khắc về việc xuất hiện các phong trào quần chúng đòi tự do dân chủ đã tác động vào Việt Nam, làm cho Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu lúng túng.

Lo sợ quyền lực lãnh đạo của đảng bị soi mòn trước sức bật mạnh mẽ của giới văn nghệ sĩ, trí thức trong nước, Bộ chính trị bắt đầu giảm tốc đà đổi mới, bước đầu là giới hạn những bài viết đề cập về các tệ đoan ở trong đảng. Tại Hội nghị lần thứ 5 của ban chấp Trung ương đảng khoá VI vào tháng 6, 1988, Nguyễn Văn Linh lại lớn tiếng phê phán một số bài viết cũng như một số tác phẩm đã vượt quá giới hạn. Nguyễn Văn Linh cho rằng “dân chủ phải có lãnh đạo, tự do không phải là vô bờ bến” và ra lệnh cấm phổ biến một số tác phẩm. Liền sau đó, những loạt bài ký tên N.V.L. đăng trên báo Nhân Dân bị ngưng vĩnh viễn.

Tháng 9, 1988, Ban Chấp hành Hội Nhà văn (họp từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 9) đã ra nghị quyết “uốn nắn” lại tờ Văn Nghệ. Nghị quyết “uốn nắn” này đã bị giới văn nghệ sĩ trong nước phản ứng mạnh mẽ. Trước những chống đối này, đầu tháng 10, 1988, Ban thư ký Hội Nhà văn đã công bố một bản tin “cụ thể” để giải thích lý do “uốn nắn” tờ Văn Nghệ. Nhưng bản tin giải thích của Ban thư ký không thỏa mãn được dư luận nên nhiều nhà văn tiếp tục viết bài công kích cả Ban Tuyên huấn Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam. Đến ngày 2 tháng 12, 1988, theo chỉ thị của Ban Tuyên huấn Trung ương đảng, Hội Nhà văn đã ra quyết định cách chức Tổng biên tập tờ Văn Nghệ của Nhà văn Nguyên Ngọc. Sự cách chức Nguyên Ngọc được coi như dấu mốc của giai đoạn cởi trói “văn nghệ” bắt đầu bị siết lại.

Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương đảng khóa VI từ ngày 20 đến 29 tháng 3, 1989, đưa ra chủ trương “ngưng” kế hoạch cởi trói tư duy, đồng thời công bố sáu nguyên tắc nhằm siết chặt hàng ngũ đảng và ngăn cấm mọi lên tiếng đòi hỏi đa nguyên. Sáu nguyên tắc đó là:

Một, “tiến lên xã hội chủ nghĩa” là điều phải thực hiện cho được vì là con đường do đảng và Hồ Chí Minh vạch ra. Xây dựng con người xã hội chủ nghĩa phải là mục tiêu của đảng và nhân dân. Việc “đổi mới” là một phương sách hữu hiệu nhất được áp dụng để đạt đến những mục tiêu kể trên, trong tình hình chính trị cũng như kinh tế hiện nay. 
Hai, chủ nghĩa Mác - Lê luôn luôn là lý thuyết căn bản soi sáng cho những chính sách do đảng đề ra. Những suy tư “đổi mới” phải nhắm đến mục tiêu làm giàu mạnh chủ nghĩa xã hội, chứ không thể phản nghịch và đe dọa xã hội chủ nghĩa. 
Ba, đổi mới hành động và những cơ chế trong hệ thống chính trị không thể đi ra ngoài đường hướng gia tăng sức mạnh lãnh đạo của đảng. Vì thế, mọi cuộc chỉnh đốn hàng ngũ đảng viên phải làm giàu mạnh tính chuyên chính vô sản, để đảng và nhà nước quản lý mọi vấn đề một cách hiệu quả hơn. 
Bốn, sự chỉ đạo sáng suốt của đảng phải được chấp nhận và thi hành triệt để, hầu có thể bảo vệ cũng như xây dựng quê hương xã hội chủ nghĩa. Cần phải phê bình những hành động tiêu cực của các cán bộ lãnh đạo địa phương. Chính vì những sai trái của cấp bộ địa phương mà uy tín chỉ đạo của đảng bị phương hại. 
Năm, dân chủ phải được trải rộng cho từng đời sống xã hội. Dân chủ được đề cập ở đây không thể bị ngộ nhận là dân chủ tư bản, mà phải được thông suốt là dân chủ xã hội chủ nghĩa. Dân chủ xã hội chủ nghĩa phải được tiến hành song song với chế độ tập quyền trung ương, và quá trình này là trách nhiệm của nhân dân và cán bộ nhà nước. Dân chủ được áp dụng cho từng cá nhân, đồng thời việc trừng phạt cũng phải được triệt để sử dụng đối với những bọn chống phá cách mạng, làm nguy hại cho nền an ninh xã hội chủ nghĩa. 
Sáu, yêu nước phải là yêu chủ nghĩa quốc tế vô sản và quốc tế xã hội chủ nghĩa, nối kết sức mạnh quốc gia với những điều trong kỷ nguyên mới của quốc tế xã hội chủ nghĩa.

NHỮNG PHẢN ỨNG LẠC ĐIỆU CỦA HÀ NỘI TRƯỚC BIẾN CỐ ĐÔNG ÂU

Từ tháng 6, 1989 trở đi đã xảy ra rất nhiều biến cố quan trọng nằm ngoài dự kiến của Bộ chính trị và Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam.

Biến cố đầu tiên là hàng trăm ngàn sinh viên Trung Quốc đã chiếm quảng trường Thiên An Môn đòi đảng và nhà nước Cộng sản Trung Hoa chấp nhận những quyền tự do cơ bản và sinh hoạt chính trị đa đảng trong suốt nhiều tuần lễ từ giữa tháng 5. Tuy sau đó Đặng Tiểu Bình đã ra lệnh cho quân đội đàn áp vào rạng sáng ngày 3 tháng 6, khiến cho hàng ngàn người bị tử thương, nhưng biến cố này đã tác động mạnh mẽ trong dư luận, khiến cho Hà Nội phải ra chỉ thị đề cao cảnh giác ở trong nước.

Biến cố thứ hai là Công đoàn Đoàn kết thắng lớn trong cuộc Tổng tuyển cử tự do lần đầu tiên vào hai ngày 4 và 18 tháng 6 sau gần 45 năm độc chiếm quyền lực của đảng Thống nhất Xã hội Chủ nghĩa Ba Lan (đảng Cộng sản Ba Lan). Kết quả của cuộc Tổng tuyển cử này đã khiến đảng Cộng sản Ba Lan mất độc quyền, Luật sư Tadeusz Mazowieckj của Công đoàn Đoàn kết lên cầm quyền với nội các liên hiệp vào ngày 19 tháng 8, 1989.

Biến cố thứ ba là nội bộ đảng Công nhân Xã hội Hung bị phân hóa trầm trọng khiến đảng phải tổ chức đại hội bất thường vào ngày 23 tháng 6, 1989, chính thức từ bỏ con đường chuyên chính vô sản và cho Quốc hội tu sửa hiến pháp, chính thức bãi bỏ chế độ cai trị độc đảng, bỏ tên nước Cộng hòa Nhân dân và thay bằng Cộng hòa Hung Gia Lợi, đồng thời quyết định tổ chức tổng tuyển cử tự do vào hai ngày 26 tháng 3 và 8 tháng 4, 1990. Kết quả của cuộc tổng tuyển cử này, giống như Ba Lan, là các đảng phái chống chính quyền Cộng sản Hung Gia Lợi đã toàn thắng, với sự ra đời của chính quyền liên minh cánh hữu, chấm dứt sự chi phối của chính quyền Cộng sản kéo dài trong 45 năm.

Biến cố thứ tư là cuộc biểu tình của trên 200.000 người tại thành phố Leipzig, Đông Đức, vào tối ngày 15 tháng 10, 1989 đã khiến cho Erich Honecker, Chủ tịch đảng Thống nhất Xã hội Chủ nghĩa Đức phải từ chức, một tuần sau khi Honecker tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Cộng hòa Dân chủ Đức.

Sự từ chức đột ngột của Honecker làm cho đảng Cộng sản Đông Đức rối loạn, phân rã thành nhiều hệ phái. Tân chủ tịch đảng là ông Egon Krenz đã không thể điều hành nổi trước quá nhiều áp lực của quần chúng, nên đã thoái lui bằng cách làm ngơ cho lực công an biên giới mở toan 6 trạm kiểm soát – như một hình thức phá bỏ bức tường Bá Linh vào tối ngày 9 tháng 11, 1989, chấp nhận cho dân chúng tại Đông và Tây Bá Linh qua lại tự do.

Biến cố thứ năm là cuộc tàn sát tại thành phố Timisoara, Romania vào ngày 23 tháng 11, 1989, đã tạo sự phẫn nộ trong dân chúng, dẫn đến các cuộc biểu tình chống chính quyền Nicolae Ceaucescu một cách rộng lớn tại thủ đô Bucharest từ ngày 22 tháng 12, 1989. Ceaucescu ra lệnh giới nghiêm trên toàn quốc nhưng đã quá trễ vì dân chúng bất chấp lệnh giới nghiêm, túa ra đường biểu tình lên đến hàng trăm ngàn người, đứng đầy khắp các nẻo đường trong thủ đô.

Quân đội quay về phía quần chúng và ủng hộ Mặt trận Cứu quốc do Ion Iliescu lãnh đạo nên đã cô lập lực lượng công an bảo vệ Ceaucescu. Ngày 23 tháng 12, vợ chồng Ceaucescu bị bắt và bị Mặt trận Cứu quốc kết án tử hình trong một tòa án đặc biệt diễn ra vào ngày 24 tháng 12, 1989.

Trong thời gian xảy ra những biến cố dồn dập tại Đông Âu, đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương đảng tại Sài Gòn từ ngày 15 đến 24 tháng 8, 1989. Hội nghị đã phải thay đổi nghị trình để bàn về thế đối phó với biến cố Đông Âu trong nội bộ và giải thích lập trường của đảng đối với bên ngoài.

Lúc đó, đảng Cộng sản Việt Nam coi biến cố Đông Âu chỉ là sự biến thái giai đoạn, và vẫn còn tin tưởng tuyệt đối vào thành trì vững chãi của khối cộng sản do Liên Xô lãnh đạo nên mới đưa ra năm nguyên tắc nhằm xác định lại quan điểm của đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời cảnh cáo các đảng viên đang chao đảo, bất mãn và không còn tin tưởng vào thiểu số cán bộ thượng tầng đang nắm giữ quyền lực độc tôn để tiếp tục cố thủ trong lô cốt giáo điều xã hội chủ nghĩa. Năm nguyên tắc này là:

  1. Khẳng định tính tất yếu lịch sử của chủ nghĩa xã hội và những thành tựu vĩ đại của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. 
  2. Khẳng định tính khách quan và phương hướng xã hội chủ nghĩa của quá trình cải tổ, cải cách và đổi mới.
  3. Nhận rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản, nâng cao cảnh giác cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế.
  4. Giáo dục trong đảng và trong nhân dân ḷng kiên tŕ với mục tiêu lư tưởng xã hội chủ nghĩa trên cơ sở quán triệt những nguyên tắc và chính sách đổi mới của đảng. Và,
  5. Nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng xã hội chủ nghĩa, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong đảng, sự thống nhất ý chí và hành động trong xã hội, đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực.

Trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị, Nguyễn Văn Linh đã chỉ trích gay gắt một số khuynh hướng chủ trương xét lại vai trò lãnh đạo của đảng, đang ngấm ngầm vận động trong hàng ngũ đảng viên. Nguyễn Văn Linh kết tội khuynh hướng này là “đang nhận sự hậu thuẫn và xúi giục của chủ nghĩa đế quốc mà đứng đầu là đế quốc Mỹ. Đó là giấc mơ vô nhân của bọn đại biểu cho chủ nghĩa tư bản khét tiếng, không đội trời chung với chúng ta.”

Ngày 28 tháng 8, 1989 trên nhật báo Nhân Dân đã xuất hiện một bài quan điểm về chính phủ Tadeusz Mazowieckj của Ba Lan, có một đoạn đáng chú ý như sau: “Thực chất sự kiện chính trị đang diễn ra ở Ba Lan là Công đoàn Đoàn kết với sự tiếp tay của các thế lực đế quốc, chủ yếu là đế quốc Mỹ, đang làm cuộc đảo chính phản cách mạng ở Ba Lan.”

Trong đoạn kết của bài này, báo Nhân Dân còn tin tưởng là “giai cấp công nhân và nhân dân lao động Ba Lan sẽ đập tan cuộc đảo chánh phản cách mạng.”

Trong khi đó, ngày 29 tháng 8, Thành ủy Hà Nội đã huy động nhân sự trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức ngoại vi nằm trong Mặt trận Tổ quốc như Công đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, và Đoàn Thanh niên Cộng sản, tổ chức cuộc biểu tình ủng hộ đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (đảng Cộng sản Ba Lan).

Đoàn biểu tình đã phổ biến bản thông cáo kết án Công đoàn Đoàn kết Ba Lan là nguyên nhân đưa đến cuộc khủng hoảng chính trị tại Ba Lan, và kêu gọi đảng Cộng sản Ba Lan phải “cương quyết đập tan cuộc đảo chính phản cách mạng của các thế lực thù địch, giữ vững thành quả cách mạng. Những thế lực thù địch này đã nhận sự tiếp tay của đế quốc, chủ yếu là đế quốc Mỹ.”

Tuy công kích và mạt sát Công đoàn Đoàn kết, nhưng khi nghe tin Quốc hội Ba Lan chính thức tấn phong Luật sư Tadeusz Mazowieckj của Công Đoàn làm Thủ tướng, Đỗ Mười, lúc bấy giờ là Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng, và Nguyễn Cơ Thạch (Bộ trưởng Ngoại giao) đã phải đánh điện văn chúc mừng tân Thủ tướng Ba Lan.

Phản ứng lạc điệu về biến cố Ba Lan đã làm cho Trung ương đảng thấy bị hố nên sau đó, các cán bộ cao cấp và báo chí của đảng không còn dám có phản ứng chống đối mạnh mẽ như đối với biến cố Ba Lan. Đến ngày 2 tháng 9, 1989, trong bài diễn văn mừng Quốc Khánh, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói xa xôi đến những thay đổi đang xảy ra ở Đông Âu: “Chúng ta thấy rõ đây là cơn đau đẻ của sự sinh thành,” nhưng rồi cũng đã cực lực lên án tư tưởng đa nguyên, đa đảng.

Đầu tháng 10, Nguyễn Văn Linh dẫn một phái đoàn sang Đông Đức tham dự buổi lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Đức tổ chức vào ngày 7 tháng 10, 1989. Tại đây, Nguyễn Văn Linh và phái đoàn cao cấp của đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt các cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ của quần chúng, đưa đến sự từ chức của Erich Honecker vào ngày 18 tháng 10, và sự sụp đổ bức tường Bá Linh vào ngày 9 tháng 11, 1989.

Đông Đức là cái phao cứu vớt sau cùng, nơi mà phái đoàn Nguyễn Văn Linh có thể đem về một “cẩm nang” giải quyết những khó khăn trong nước, thì cũng là nơi mà sự sụp đổ xảy ra nhanh nhất. Biến cố Đông Đức đã làm cho Nguyễn Văn Linh choáng váng, trở về Hà Nội trong tình trạng suy nhược và cáo bệnh không tiếp ai trong một thời gian.

Mãi cho đến ngày 16 tháng 12, 1989, Nguyễn Văn Linh mới xuất hiện trong Hội nghị của Thành ủy Sài Gòn, nhấn mạnh đến công tác tư tưởng trong hàng ngũ đảng viên và nhiệm vụ “bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa” trước sự tan rã của các đảng Cộng sản anh em tại Đông Âu. Nhưng khi nghe tin nhà độc tài Ceaucescu bị Mặt trận Cứu quốc tuyên án tử hình vào ngày 24 tháng 12, 1989, Nguyễn Văn Linh bị đột quỵ nên đã phải ở ẩn tại Sài Gòn không tiếp bất cứ ai cho đến đầu năm 1990.

ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ TRẦN XUÂN BÁCH BỊ KHAI TRỪ VÌ CỔ VÕ ĐA NGUYÊN.

Đại hội đảng kỳ VI vào tháng 12, 1986 đề cử Trần Xuân Bách vào Bộ chính trị và Ban bí thư. Trong bài tham luận đọc tại Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương vào tháng 8, 1989, Trần Xuân Bách đã đề nghị đảng phải đổi mới bằng cách đi hai chân, “chân kinh tế thị trường với việc mở rộng kinh tế hàng hóa, phát triển thị trường, và chân chính trị là đi mạnh vào việc áp dụng dân chủ rộng rãi, chấp nhận đa nguyên.” (Ý niệm đa nguyên mà ông Bách sử dụng lúc này mang ý nghĩa công nhận nhiều khuynh hướng trong xã hội chứ chưa hề có ý nghĩa công nhận đa đảng).

Ý kiến của Trần Xuân Bách đã bị lãnh đạo đảng chống đối mạnh mẽ, bị coi là quá khích và hữu khuynh.

Trong một cuộc phỏng vấn về vấn đề Campuchia với Ký giả Hiebert của tờ Viễn Đông Kinh Tế (Far Eastern Economic Review) vào tháng 12, 1989, Trần Xuân Bách đã nói:
Sau 10 năm chiến thắng, chúng tôi đã thấy nhiều lỗi lầm và nhiều sự thất bại. Chúng tôi cố gắng kỹ nghệ hóa nhưng chưa có được những nền tảng vững chắc. Những cơ cấu quản trị cũ kỹ đã làm đình trệ sự đổi mới về kinh tế này.
Đến ngày 5 tháng 1, 1990, trong một buổi thảo luận về chủ nghĩa xã hội tại Ủy ban Khoa Học và Xã Hội, Trần Xuân Bách đã đọc một bài diễn văn nhan đề “Chủ nghĩa xã hội thật sự là gì?” có nội dung đáng chú ý như sau:
Một điểm rất thống nhất của toàn thể xã hội, toàn thể nhân dân hiện nay là trăn trở với tình hình thế giới và trong nước, muốn đưa dân tộc ta tiến lên. Trong đảng Cộng sản Việt Nam, nếu ai bình chân như vại trước tình hình hiện nay là thiếu trách nhiệm. Chủ nghĩa xã hội thế giới đang đứng trước những thử thách lớn và những triển vọng lớn cũng là do thời đại. Tất cả các dân tộc đều trong hoàn cảnh bức xúc, cả chủ nghĩa tư bản, cả chủ nghĩa xã hội, cả loài người đều như vậy. Có hai lý do của sự bức xúc: 
Một là chỉ còn 10 năm nữa là bước sang thế kỷ XXI, dân tộc nào bị tụt hậu vào giữa thế kỷ XXI là nguy hiểm vô cùng, vì đây là thời đại của cách mạng khoa học kỹ thuật, của bùng nổ thông tin và giao lưu quốc tế. Xử lý vấn đề này không thể một nhóm, một người nào làm được. Cả dân tộc phải chuẩn bị và làm công việc này. 
Hai là diễn biến chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa đang căng thẳng, phức tạp và có tính dây chuyền. Vì sao có tính dây chuyền ? Vì ta ở trong thời đại thông tin, không thể bưng bít thông tin được. Ai bưng bít thông tin là lạc hậu nhất. Phải cung cấp thông tin đầy đủ để người ta lựa chọn. Không thể nghĩ rằng ở châu Âu thì sôi sục, còn ở châu Á thì ổn định. Không thể chủ quan cho mình là ổn định. Tất cả các nước xã hội chủ nghĩa đều nằm trong sự vận động để tiến lên, đều có những mâu thuẫn lớn, đều phải phá vỡ sức đè nén của những cái cũ, không anh nào có thể yên trí mình ổn định được. Có khi tuần này còn huênh hoang, tuần sau đã bị đảo lộn. 
Tình hình chung hiện nay là biểu hiện của tư duy khoa học đang lấn át tư duy giáo điều, tư duy khoa học đang thay thế tư duy giáo điều. Lịch sử đang thay đổi mạnh. Mác trao cho ta vũ khí biện chứng duy vật và duy vật lịch sử, chớ không trao cho ta Kinh Thánh. Việc vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản phải căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử đương thời của Mác.
Bài nói chuyện này đã được đăng lên tờ Tạp chí Cộng sản số tháng 1, 1990. Những quan điểm của Trần Xuân Bách đã công khai ra bên ngoài, tạo một sự quan tâm sâu rộng trong giới trí thức xã hội chủ nghĩa vào lúc đó. Đến ngày 19 tháng 1, 1990, trong một cuộc phỏng vấn do một phóng viên của đài phát thanh Hung Gia Lợi thực hiện, khi được hỏi cảm tưởng về những biến chuyển chính trị ở các nước Đông Âu, Trần Xuân Bách đã nói là:
Mỗi quốc gia có một đường lối riêng để phát triển xã hội của họ. Việt Nam rất kính trọng những chọn lựa mà các nước xã hội chủ nghĩa anh em đang theo. Việt Nam ủng hộ những phát triển về một hệ thống dân chủ ở những nước xã hội đó.
Những phát biểu của Trần Xuân Bách càng ngày càng “xé rào” ra khỏi sáu nguyên tắc mà Trung ương Đảng đã quy định hồi năm 1989, khiến cho một số ủy viên Bộ chính trị thấy khó chịu. Bộ chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam vào giai đoạn này gồm có 13 ủy viên chính thức là Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Võ Chí Công, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh, Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Cơ Thạch, Đồng Sỹ Nguyên, Trần Xuân Bách, Nguyễn Thanh B́nh, Đoàn Khuê, Mai Chí Thọ và một ủy viên dự khuyết là Đào Duy Tùng.

Do yêu cầu của Đào Duy Tùng và được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Nguyễn Đức Tâm, Trưởng ban tổ chức Trung ương đảng, Bộ chính trị đã họp khẩn cấp vào ngày 16 tháng 2, 1990. Tại cuộc họp này, một số ủy viên như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Đức Tâm, Đào Duy Tùng, Lê Đức Anh và Đoàn Khuê đã chỉ trích quan điểm của Trần Xuân Bách là nguy hiểm, và Bộ chính trị dự kiến sẽ đề nghị Trung ương đảng cách chức Ban bí thư và Bộ chính trị của ông, nhưng còn giữ vai trò Trung ương đảng.

Tuy nhiên, khi vấn đề của Trần Xuân Bách được đưa ra thảo luận trong Hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành Trung ương đảng khóa VI, họp từ ngày 12 đến 27 tháng 3, 1990, đa số các bí thư Tỉnh và phe giáo điều đã phê phán Trần Xuân Bách không đáng là đảng viên, vô kỷ luật, vô tổ chức trong khi đảng cần sự nhất trí và thống nhất để vượt qua những khó khăn trước các diễn biến phức tạp tại Đông Âu. Cuối cùng Hội nghị đã có khoảng hai phần ba ủy viên Trung ương biểu quyết cách chức Trần Xuân Bách ra khỏi Trung ương đảng, trong khi đó có đến một phần ba ủy viên chống lại quyết định này.

Sau đó, Trung ương đảng, dưới chữ ký của Nguyễn Văn Linh, đã phổ biến bản thông báo của Hội nghị nhấn mạnh đến yêu cầu “giữ vững sự ổn định chính trị, kinh tế và xã hội, trước hết là ổn định về chính trị,” loại Trần Xuân Bách ra khỏi mọi cương vị lãnh đạo của đảng, với lý do “vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và kỷ luật của đảng, gây ra nhiều hậu quả xấu.”

CUỘC ĐẤU TRANH CỦA ÔNG NGUYỄN HỘ VÀ CÂU LẠC BỘ NHỮNG NGƯỜI KHÁNG CHIẾN CŨ

Trong khi Trung Ương Đảng Cộng sản lúng túng đối phó vấn đề Trần Xuân Bách chưa xong, thì lại xảy ra sự chống đối một cách quyết liệt của Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ trong cùng thời gian. Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ, được thành lập bởi một ban chấp hành gồm 24 người, từng là cán bộ đảng viên cao cấp trong thời chiến tranh Việt Nam trước năm 1975, do ông Nguyễn Hộ đứng đầu. Đơn xin thành lập đã gửi cho Thành ủy Sài Gòn từ năm 1985 nhưng không ai dám quyết định, mãi cho đến khi Lê Đức Thọ, Trưởng ban tổ chức Trung Ương đảng, đồng ý thì Thành phố Sài Gòn mới cấp giấy phép cho hoạt động vào ngày 16 tháng 5, 1986.

Theo ông Đỗ Trung Hiếu, một thành viên của tổ chức này, thì Câu lạc bộ hoạt động và phát triển từ năm 1986 cho đến tháng 3 năm 1990, lúc ông Hộ phải bỏ Sài Gòn đi trốn vì bị đàn áp. Trong khoảng thời gian bốn năm này, Câu lạc bộ đã có một số giai đoạn hoạt động đáng chú ý.

Giai đoạn I, từ ngày 16 tháng 5, 1986 cho đến ngày 3 tháng 4, 1988, tập trung vào việc xây dựng và phát triển Câu lạc bộ với số hội viên lên đến 20.000 người tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Vào lúc đó, Câu lạc bộ được coi là tổ chức quần chúng không do đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, phát triển nhanh và mạnh nhất với nhiều hoạt động đa dạng.

Giai đoạn II, từ ngày 3 tháng 4, 1988 cho đến 23 tháng 3, 1990, tập trung vào cao trào đấu tranh đòi đổi mới, chống tham nhũng quan liêu bảo thủ. Đây là thời kỳ Nguyễn Văn Linh làm Tổng bí thư, tung ra chính sách đổi mới và cởi trói tư duy nên Câu lạc bộ đã lập ra Ban Tư vấn Chính trị vào ngày 3 tháng 4, 1988 để phát động hai nỗ lực, đó là 1) Chống tham nhũng; và 2) Tổ chức các sinh hoạt chính trị ủng hộ đổi mới.

Để xây dựng Câu lạc bộ thành một lực lượng giữ vai trò chính trị xã hội thật của nó, ông Nguyễn Hộ và ban thường vụ của Câu lạc bộ nộp đơn xin đổi tên thành Hội Truyền thống Kháng Chiến Cũ nhưng chưa được Thành ủy chấp thuận, và xuất bản đặc san Truyền Thống Kháng Chiến để quảng bá hoạt động và đã thu hút đông đảo sự quan tâm và hưởng ứng của đồng bào mọi giới. Trong thời kỳ này, Hội đã tổ chức được những sinh hoạt đáng chú ý như:

Ngày 3 tháng 6, 1988, tổ chức hội thảo và thảo luận công khai về việc đề cử chủ tịch hội đồng bộ trưởng mới, quy tụ 200 cán bộ trung và cao cấp, sĩ quan cấp tướng của quân đội đến dự. Kết thúc buổi hội này là một bản kiến nghị gửi Trung ương đảng và Quốc hội về việc chọn lựa chủ tịch Hội đồng bộ trưởng không theo kiểu bè phái và áp đặt phi dân chủ.

Ngày 11 tháng 6, 1988, 44 thành viên của Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ đứng tên trong một kiến nghị gửi Trung ương đảng, yêu cầu kiểm điểm bộ chính trị và ban bí thư về việc thực hiện Nghị quyết VI đã vi phạm nguyên tắc dân chủ trong nội bộ đảng. Đây là một loại kiến nghị thách đố sự lãnh đạo tối cao của đảng.

Ngày 11 tháng 6, 1989, Câu lạc bộ đã tổ chức một buổi hội thảo về quyền tự do dân chủ của công dân và những vấn đề cấp bách khác hiện nay của xã hội, và sau đó đã có 75 thành viên ký tên vào một kiến nghị gửi cho đại biểu quốc hội khóa VIII, đề nghị việc “xem xét, đối chiếu, và có thái độ đối với một số hành động vi hiến của một số cơ quan nhà nước.” Bản kiến nghị nêu đích danh Bộ Thông tin đã vi phạm điều 67 của Hiến pháp về tự do báo chí, đã đóng cửa một loạt các tờ báo chỉ vì các báo này dám nói thẳng, nói thật, chống tiêu cực, quan liêu, bảo thủ, cửa quyền.

Ngày 18 tháng 9, 1989, Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ tổ chức hội thảo về “Tiến trình đổi mới toàn bộ các mặt,” quy tụ gần 100 cán bộ trung và cao cấp, tướng tá tham dự. Tại cuộc hội thảo này, nhiều cán bộ cao cấp đã phê phán các sai lầm của đảng, trong đó có Thiếu tướng Tô Ký, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, cán bộ lão thành Huỳnh Văn Tâm, nhà giáo Nguyễn Văn Hợi, Thượng tướng Trần Văn Trà và nhà báo Hồ Ngọc Nhuận. Những phát biểu của các nhân vật nói trên đã được chính ông Dương Đình Thảo và Võ Thành Công thay mặt Thành ủy Sài Gòn lên xác nhận là đúng sự thật, gây ra một sự bàn tán sôi nổi trong dư luận thành phố Sài Gòn vào lúc đó.

Ngày 13 tháng 11, 1989, Câu lạc bộ tổ chức hội thảo đề tài “Tìm hiểu nguyên nhân trì trệ hiện nay trong việc đổi mới” với hơn 700 cán bộ, trung và cao cấp, tướng tá quân đội, trí thức các đại học tham dự. Tại hội thảo này ông Nguyễn Hộ đã thông báo rằng Thành ủy Sài Gòn ra quyết định không cho in tờ Truyền Thống Kháng Chiến và đòi dẹp cuộc hội thảo, khiến cho toàn thể cử tọa tham dự rất bất mãn và phản đối kịch liệt những việc làm sai trái của Thành ủy Sài Gòn.

Ngày 7 tháng 1, 1990, Câu lạc bộ đã tổ chức hội thảo suốt ngày tại nhà Văn hóa Lao động tại Sài Gòn về chủ đề “công cuộc cải tổ ở Liên Xô và Đông Âu, tình hình đổi mới tại Việt Nam,” quy tụ hàng ngàn người tham dự. Đây có thể được coi là hội thảo quy mô nhất của Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ và các diễn giả bao gồm Giáo sư Trần Bạch Đằng, Thượng tướng Trần Văn Trà, nhà báo Nguyễn Văn Trấn, cán bộ lão thành La Văn Lâm, nhà báo Kim Tinh, cùng rất đông cán bộ, tướng tá quân đội tham dự phát biểu.

Đa số đều tán đồng công cuộc đổi mới ở Liên Xô và Đông Âu, và cho rằng dân chủ là phong trào của thời đại đang tràn ngập khắp thế giới. Nếu đảng Cộng sản Việt Nam không đổi mới, không có dân chủ thì dân sẽ thay đảng làm cuộc đổi mới, thiết lập dân chủ. Đặc biệt cuộc hội thảo này đã đi đến một kiến nghị quan trọng, đó là đòi hỏi đảng và nhà nước cho: 1) Lập hội cựu kháng chiến một cách chính thức trên toàn quốc; và 2) Tờ Truyền Thống Kháng Chiến được tái bản.

Có thể nói cuộc hội thảo hôm mồng 7 tháng 1, 1990 của Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ đã làm cho Bộ chính trị và Trung ương đảng rúng động. Vì thế mà bộ chính trị đã chỉ thị cho Thành ủy Sài gòn: 1) Cấm không cho Câu lạc bộ tổ chức hội thảo; 2) Cấm Câu lạc bộ không được ra đặc san Truyền Thống; 3) Chỉ đạo ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ phải “đấu tranh” nội bộ, loại những phần tử quá khích ra khỏi ban lãnh đạo, cụ thể là hai ông Nguyễn Hộ và Tạ Bá Tòng; 4) Giải thể các tổ chức phụ thuộc như là ban liên lạc Thanh niên Sinh viên cựu kháng chiến; và 5) Dẹp bản tin của Ban liên lạc thanh niên sinh viên.

Ngày 4 tháng 3, 1990, Thành ủy Sài Gòn đã cử Nguyễn Văn Hạnh tham dự cuộc họp với ban chủ nhiệm của Câu lạc bộ để kiểm điểm hai ông Nguyễn Hộ và Tạ Bá Tòng theo yêu cầu của Thành ủy. Cuộc họp gồm 18 người mà đa số là những người từ lúc thành lập hội cho đến nay chưa hề xuất hiện. Cuộc họp đã biến thành cuộc đấu tố dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Hạnh, để tố cáo ông Nguyễn Hộ và Tạ Bá Tòng vi phạm bốn khuyết điểm, đó là 1) Đi chệch mục tiêu ban đầu; 2) Mất dân chủ nghiêm trọng; 3) Tổ chức và chuẩn bị đại hội không tốt, không đại diện cho những người kháng chiến chân chính; và 4) Phát hành tài liệu phạm pháp. Hai ông Nguyễn Hộ và Tạ Bá Ṭng đã phản đối gay gắt và bỏ ra về. Nguyễn Văn Hạnh và những người của Thành ủy Sài gòn ở lại tiếp tục họp, bỏ phiếu bất tín nhiệm hai ông Nguyễn Hộ và Tạ Bá Tòng, bầu người của Thành ủy lên thay thế ban chủ nhiệm Câu lạc bộ.

Ông Nguyễn Hộ đã ra thông cáo phản đối và tuyên bố ông vẫn là chủ nhiệm Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ. Ngày 21 tháng 3, 1990, ông Hộ dời Sài Gòn lên vùng nông thôn Sông Bé ở ẩn tại nhà những cán bộ của ông trong phong trào, và cũng chính ngày này ông tuyên bố ly khai khỏi đảng Cộng sản. Sự kiện ông Nguyễn Hộ tuyên bố ly khai khỏi đảng đã được ông Tạ Bá Tòng thông báo cho ký giả Mike Morrow của tạp chí Asiaweek tại Hồng Kông và sau đó đài BBC loan tải rộng rãi trong đêm 26 tháng 3, 1990, khiến cho Trung ương đảng tức giận nên đã phải ra thông báo lên án một số người lãnh đạo trong Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ là có hành động chống đảng, đồng thời chỉ thị cho Bộ nội vụ (tức Bộ Công an bây giờ) tung chiến dịch khủng bố.

Ngày 23 tháng 4, 1990, công an Bộ nội vụ chận bắt ông Đỗ Trung Hiếu, thư ký của Hội Truyền thống tại Đà Nẵng. Ngày 29 tháng 4, công an Sài Gòn bắt giữ ông Tạ Bá Tòng và ông Hồ Hiếu. Ngày 5 tháng 5, 1990, Thành ủy Sài Gòn ra văn thư tố cáo những khủng hoảng trong Hội Truyền thống Kháng Chiến là do “âm mưu và thủ đoạn của đế quốc Mỹ và bọn phản động” khuynh đảo để chống phá đảng và nhà nước.

Ngày 11 tháng 6, 1990, Võ Văn Kiệt qua trung gian của Nguyễn Văn Hoàng, cháu ruột của ông Nguyễn Hộ, dàn xếp lên Phú Giáo tỉnh Sông Bé để gặp và thuyết phục ông Nguyễn Hộ không nên tiếp tục chống đảng. Cuộc gặp diễn ra từ 7 giờ 30 sáng cho đến 11 giờ và có cả thư của Võ Trần Chí (Bí thư Thành ủy Sài Gòn) gửi ông Hộ; nhưng ông Hộ đã cương quyết chống đến cùng và cuộc gặp đã thất bại. Hai tuần sau, ông Kiệt có đề nghị gặp ông Nguyễn Hộ một lần nữa gần Sài Gòn nhưng ông Hộ chỉ gửi thư cho ông Kiệt từ chối gặp.

Ngày 30 tháng 7, 1990, Ban tổ chức tỉnh ủy Sông Bé đã tổ chức một buổi đấu tố các ông Nguyễn Hộ và Tạ Bá Tòng và nói xấu về các hoạt động của Câu lạc bộ, khiến cho bà Nguyễn Thị Kỳ Hương, tỉnh ủy Sông Bé bất mãn, không kềm chế được nên đã cởi quần trùm lên đầu trưởng ban tổ chức tỉnh Sông Bé. Tất cả các quan chức của Tỉnh phải bỏ chạy. Dùng thủ đoạn bôi nhọ và triệt hạ uy tín của ông Nguyễn Hộ và Tạ Bá Tòng không được nên Cộng sản Việt Nam đã phải tung đòn cuối cùng là bắt giữ các nhân vật đầu não của Câu lạc bộ.

Ông Nguyễn Hộ bị bắt vào lúc 7 giờ sáng ngày 7 tháng 9, 1990 tại tỉnh Sông Bé. Ông bị đưa về tạm giam ở K4 Xuân Lộc, sau đó giam ở nhà nghỉ Thành ủy Sài Gòn sáu tháng và bị quản thúc tại gia hai năm. Ông Tạ Bá Tòng và Đỗ Trung Hiếu bị giam ở Bộ nội vụ Sài Gòn hơn nửa năm và bị quản thúc tại gia hơn một năm rưỡi. Ông Hồ Hiếu bị giam ở Phan Đăng Lưu sáu tháng và bị quản thúc tại gia một năm rưỡi.

Ngoài ra, công an còn bắt giam hàng trăm thành viên của Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ tại Sài Gòn, Tiền Giang, Hậu Giang và Sông Bé. Tất cả những người này đều chung một số phận là bị ghép tội chống đảng nên bị kiểm điểm, bị kỷ luật, bị cách chức và bị thôi việc. Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ bị Thành ủy Sài Gòn chiếm đoạt và giải tán sau khi đảng Cộng sản Việt Nam dựng ra Hội Cựu Chiến Binh vào năm 1994.

Sự phản kháng của ông Nguyễn Hộ và cuộc đấu tranh của Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ tại miền Nam là một sự quật khởi đầy bất ngờ của những cán bộ, đảng viên cộng sản gốc miền Nam, đối với lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam. Các ông Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu và Hồ Hiếu là những nhân tố chính đã khai thác sự tập hợp nhóm cựu chiến binh miền Nam để đòi hỏi những cải cách dân chủ khi biến cố Đông Âu xảy ra. Tuy cuộc đấu tranh của những người cựu chiến binh miền Nam bị thất bại sau khi Thành ủy Sài Gòn tổ chức “đảo chánh” để chiếm Câu lạc bộ vào năm 1990, nhưng ông Nguyễn Hộ và nhiều người khác đã tiếp tục đấu tranh và gây rất nhiều khó khăn cho Hà Nội tới năm 1996.

NHỮNG PHẢN KHÁNG CỦA GIỚI TRÍ THỨC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Từ tháng 3, 1990, Bộ chính trị đưa ra chính sách kiểm thảo, phê bình, tự phê và kêu gọi cán bộ đảng viên góp ý về hai văn kiện “Cương Lĩnh Chính Trị Mới” và “Chiến Lược Kinh Tế - Xã Hội Năm 2000” để chuẩn bị đại hội đảng kỳ VI. Hàng loạt những kiến nghị, phát biểu của nhiều cán bộ lão thành và giới trí thức được phổ biến dưới nhiều hình thức. Đa số các phát biểu đặt thẳng vào vấn đề cốt lõi nhất, đó là bãi bỏ vai trò lãnh đạo độc tôn của đảng, công nhận đa nguyên đa đảng. Sau đây là những ghi nhận các phát biểu ghi lại theo thứ tự thời gian.

Đầu tiên là ông Lê Hồng Hà, một cán bộ lão thành đã công kích về sự nhận thức hời hợt của lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam về các nhu cầu cải tổ ở Việt Nam, dựa trên những góp ý của cố vấn Liên Xô đối với bản dự thảo Cương Lĩnh của Hà Nội vào tháng 9 năm 1989. Ông Lê Hồng Hà đã tiết lộ một số điều mà cố vấn Liên Xô nói với lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam. Ông đã thuật lại như sau:
Về cơ bản, Liên Xô đã bác bỏ nhiều luận cứ của đảng Cộng sản Việt Nam. Chẳng hạn đảng nhấn mạnh khẩu hiệu đấu tranh “ai thắng ai,” Liên Xô nói rõ đây là khẩu hiệu của thời Stalin và khuyên ta nên dùng ý niệm “mềm dẻo hơn, phù hợp hơn,” “tránh cường điệu những mâu thuẫn” để có thể “vận động thật đông đảo lực lượng nhân dân vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa.” Đối với đường lối cơ bản xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương “từng bước cải tiến đời sống nhân dân, nhanh chóng đưa nền sản xuất tự nhiên, nền sản xuất nhỏ lên nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa” thì Liên Xô đề nghị đảo ngược, đó là “nhanh chóng cải thiện đời sống của nhân dân, đồng thời từng bước tiến lên nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.”
Nhà văn Dương Thu Hương, trong bài viết “Tờ trình với chi bộ đảng, xưởng phim truyện” ký ngày 30 tháng 5, 1990, ở phần cuối bà đã nói về mình như sau:
Chính vì tin tưởng vào nghị quyết VI (nghị quyết đổi mới năm 1986), tin tưởng vào chủ trương tự hoàn thiện mình của đảng nên tôi mới thẳng thắn công khai phát biểu tư tưởng của mình. Kết cục là ngày hôm nay buộc tôi phải nhận thấy mình đã phạm cái tội lớn nhất mà những người lương thiện thường hay mắc phải: Đó là tội nhẹ dạ và cả tin. 
Từ quan điểm này, bà Dương Thu Hương sau đó đã bị công an theo dõi và trù dập như một người chống đảng.

Cùng thời gian này, ông Nguyễn Kiến Giang đã phổ biến bài viết “Bàn về sự lãnh đạo của đảng,” đăng trên tờ Khoa Học và Tổ Quốc số phát hành vào tháng 4 năm 1990. Ông viết:
Tất cả các cơ quan dân cử, các cơ quan lãnh đạo quản lý xã hội đều được cấu thành từ đảng viên (tất cả hoặc hầu hết). Phải là đảng viên thì mới có thể giữ những chức vụ lãnh đạo và quản lý từ trên xuống dưới. Do đó, muốn hưởng những đặc quyền vật chất (lương bổng, gạo, phương tiện sinh hoạt) phải là đảng viên.... Nhưng còn một thứ đặc quyền khác còn nguy hiểm hơn nhiều: đặc quyền tinh thần, độc quyền chân lý…. Một chủ trương sai, một quan điểm sai dẫn đến chỗ đánh thẳng vào di sản tốt đẹp của quá khứ, làm cho đời sống hiện tại xuống thấp và phá hoại cả niềm tin con người vào tương lai, nhiều thế hệ liền phải gánh chịu hậu quả không dễ gì xoá bỏ được.
Tháng 5 năm 1990, ông Lữ Phương, nguyên thứ trưởng Thông tin Văn hóa của chính quyền cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, đã trình bày một số quan điểm rằng:
Đảng lãnh đạo bằng thuyết phục, vận động chứ không bằng quyền lực, hoặc đảng hòa mình trong xã hội, chứ không đứng ngoài, càng không đứng trên xã hội. Đảng phải giao toàn bộ quyền lực cho nhà nước, trở về xã hội công dân, tự đặt mình trong luật pháp, bình đẳng với mọi tổ chức chính trị xã hội khác, từ đó khẳng định lại tài năng và phẩm chất của mình.... Nếu chương trình của đảng hợp lòng dân, thực tế và có hiệu lực để sớm đưa đất nước ra khỏi lạc hậu, nghèo nàn thì đảng sẽ thành đa số để cầm quyền - một cách công khai, pháp định, có thời hạn và được kiểm soát, chứ không phải do vận động ngầm hoặc những cách áp đặt mang tính chất siêu nhà nước hoặc siêu công dân.
Tháng 11 năm 1990, trong dịp đến Paris tham dự hội nghị quốc tế, ông Bùi Tín, phó tổng biên tập nhật báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản, đã gửi một kiến nghị gồm 12 điểm cho đảng Cộng sản Việt Nam qua làn sóng của đài phát thanh BBC tối ngày 27 tháng 11 cùng nãm. Vào lúc đó, mặc dù nêu lên những sai lầm của chế độ và đề nghị cải sửa, nhưng ông Bùi Tín vẫn khẳng định là người trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa và với tư cách một đảng viên.

Nhưng sau hơn 12 năm sống lưu vong tại Paris, lập trường và quan điểm của ông đã thay đổi, ông không còn tin vào đảng, vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa, thậm chí ông còn tuyên bố từ bỏ tất cả những huy chương hay những khen thưởng mà ông nhận được từ chế độ, và đã góp tiếng nói không ngừng nghỉ cho công cuộc đấu tranh dân chủ cho đến ngày ông mất tại Pháp (ngày 11 tháng 8, 2018).

Trong kiến nghị 12 điểm đưa ra cách nay non 30 năm, ông Bùi Tín đã đề cập đến một vài điểm đáng quan tâm:
Chúng ta đã phạm những sai lầm: chủ quan, duy ý chí, nôn nóng và vội vã cho nên đã vấp ngã. Muốn đi nhanh, hoá ra đi chậm và lâm vào khủng hoảng. Cần b́nh tĩnh và tỉnh táo. Cũng như trong đời sống hàng ngày khi đi đường cũng có lúc cần biết lùi lại hoặc đi vòng để tìm con đường hợp lý ngắn nhất đạt đến đích. Biết lùi khi cần để tiến lên là sáng suốt, không có gì phải hổ thẹn. Trên tinh thần đó, lúc này, nên xây dụng chế độ dân chủ thật sự có tính chất nhân dân.... Tên nước cũng nên trở lại là Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tên đảng nên trở lại với tên gọi đảng Lao động Việt Nam.... Không nên đặt mục tiêu quá xa trong khi mục tiêu gần còn cần một thời gian dài mới có thể đạt được.
Ngày 22 tháng 1, 1991, ông Hoàng Minh Chính, nguyên viện trưởng Viện Triết học Mác Lê, người từng bị Lê Duẩn ghép vào nhóm “chống đảng xét lại” và giam 17 năm tù (từ 1964) vì đã viết một bài góp ý về dự thảo Cương lĩnh với năm đề nghị rất thẳng thắn đối với đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bài góp ý, ông Hoàng Minh Chính đã bác bỏ dự thảo Cương lĩnh và cho rằng:
Nội dung của dự thảo đã đánh giá tình hình thế giới theo mô hình giáo điều tả khuynh từ cách đây 30 - 40 năm, không nêu bật lên được điểm cơ bản nhất và mới mẻ nhất của thời đại mới ngày nay thuộc nửa sau thập kỷ 90. Do đó Cương lĩnh mắc phải mâu thuẫn trong nội dung, rắm rối trong trình bày, lập lại các quan điểm lỗi thời, vừa bi quan, vừa lạc quan vô căn cứ, thiếu nhất quán dẫn tới định hướng đường lối chiến lược cách mạng không phù hợp, thậm chí trái ngược tiến trình chủ đạo của thế giới loài người thời đại mới ngày nay.  
Trong 45 năm nay, chủ nghĩa xã hội thế giới lại lâm vào các cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị - tư tưởng - xã hội - đạo lý tiềm ẩn trầm trọng triền miên - rồi nổ tung ra công khai trong vài năm gần đây, dẫn tới sự đổ vỡ tan tành của một loạt nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu vẫn được coi là mạnh nhất trước đây. Liên Xô cũng đang trải qua cuộc khủng hoảng toàn diện nghiêm trọng.... Mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực đang tan vỡ trước mắt toàn thể nhân loại, thậm chí chỉ trong vòng có một năm (1989) do chính nhân dân các nước ấy tự nguyện phế bỏ. Như vậy, không thể gán ghép tùy tiện khiên cưỡng rằng đó là do chủ nghĩa tư bản đế quốc tấn công từ bên ngoài bằng “diễn biến hòa bình.” Phải dũng cảm tỉnh táo mà nhận rằng, dù có cay đắng đến đâu đi chăng nữa, đó là do căn bệnh ung thư tiềm ẩn trong cơ thể xã hội chủ nghĩa tới độ chín nẫu vỡ tung ra.
Cũng trong thời gian này, tuy không viết dưới dạng của một bài góp ý về bản Dự thảo Cương lĩnh, Tiến sĩ Phan Đình Diệu, một thành viên của đoàn chủ tịch Mặt trận Tổ quốc vào lúc đó đã gửi đến Trung ương đảng một "kiến nghị", trong đó ông đề nghị đảng Cộng sản Việt Nam phải nhất quán trong việc xác định mục tiêu hiện thực cho sự phát triển đất nước. Mục tiêu đó là xây dựng “một nền kinh tế thị trường phát triển và một chế độ chính trị dân chủ, đoàn kết và hòa hợp dân tộc.”

Trong tất cả những nhân vật viết các bài bày tỏ những quan điểm phê phán nội dung Cương Lĩnh cũng như đường lối đổi mới và sự phá sản của chủ nghĩa Cộng sản, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu là người mà đảng Cộng sản Việt Nam căm thù nhất vì lối viết sắc bén và tấn công thẳng vào nền tảng lý luận của chủ thuyết Mác - Lênin, qua ba bài viết “Dắt tay nhau đi dưới những tấm bảng chỉ đường của trí tuệ” (tháng 8 năm 1988), “Đôi điều suy nghĩ của một công dân” (tháng 5 năm 1993), và “Chia tay ý thức hệ” (tháng 8 năm 1995). Chính ba bài viết này, đặc biệt là bài tiểu luận “Chia tay ý thức hệ,” đã khiến cho Hà Sĩ Phu bị đảng Cộng sản Việt Nam quản thúc liên tục từ năm 1997 cho đến nay, sau khi hứng chịu hàng loạt những bài công kích, phê phán và đả kích một chiều của guồng máy tuyên truyền Hà Nội từ trung ương cho đến địa phương.

Nói chung, những lý luận và những quan điểm của giới trí thức phản kháng vào lúc này đã làm cho các cán bộ phụ trách công tác lý luận của đảng Cộng sản Việt Nam vô cùng bối rối và lúng túng trong cách phản luận. Họ chỉ được học như con vẹt để tuyên truyền một chiều, nên khi phải đối diện với những lý luận khoa học và thực tiễn của thời đại, giới công an tư tưởng của Hà Nội đã phải dùng đến bạo lực và gán ghép những luận điệu “phản bội,” “chống đảng,” “phản động,” hầu triệt hạ uy tín và gây khó khăn cho đời sống của những nhà trí thức có tâm huyết vì dân tộc. Điều cần quan tâm là những nhà trí thức đối kháng lên tiếng trong thời kỳ này đã bị Hà Nội cô lập rất nặng nề, và vì thiếu phương tiện phổ biến nên đã không tạo được sự chú ý và hưởng ứng rộng rãi trong quần chúng cho đến mãi sau này khi mạng lưới Internet trở nên phổ thông.

DU SINH VÀ CÔNG NHÂN HỢP TÁC ĐÃ ĐỨNG LÊN TRONG LÒNG QUỐC TẾ VÔ SẢN

Những biến cố xảy ra tại các nước Cộng sản ở Đông Âu vào lúc đó không chỉ tác động lên tình hình người Việt ở trong nước mà còn tạo ra nhiều biến chuyển sâu sắc lên khối người Việt đang học tập và làm việc tại các quốc gia này. Cho đến năm 1991, số người Việt Nam đang du học, tu nghiệp và lao động tại những nước Đông Âu và Liên Xô cũ lên đến khoảng 400.000 người. Đa số tập trung ở Liên Xô cũ, với khoảng gần 200.000 người, Tiệp Khắc khoảng 30.000 người, Đông Đức khoảng 70.000 người, Ba Lan khoảng 15.000 người. Số còn lại sống rải rác tại Bulgaria, Hungary, Nam Tư và Romania.

Vào thời điểm này, đa số sang sống tại đây vì lý do kinh tế. Cuộc sống của họ được coi là tạm bợ với mục tiêu kiếm tiền để chuyển về nước giúp thân nhân và chuẩn bị cho cuộc sống tốt hơn trong tương lai ở Việt Nam. Cách hành xử của họ chủ yếu là thu mình tránh né mọi đụng chạm bất lợi với chính quyền hai nước và dân chúng sở tại.

Trong trường hợp có đụng chạm, dù bất cứ hình thức nào, họ sẵn sàng chịu thua, chấp nhận mất mát, kể cả tài sản, để được yên thân với hy vọng có thể tiếp tục ở lại và kiếm tiền, vì sứ quán không bao giờ bảo vệ họ. Nền kinh tế thiếu tổ chức, khủng hoảng và thiếu hụt của các nước cựu xã hội chủ nghĩa ở đây là cơ hội cho những người giỏi mánh mung buôn bán kiếm tiền và đã có nhiều người buôn bán trở nên giàu có. Từ cuối thập niên 1980, cuộc cách mạng dân chủ ở các nước xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu bùng nổ đã mang một làn gió dân chủ, tự do đến với khối người Việt và làm cho tư duy của họ có sự chuyển biến rõ rệt. Những chính sách mới của các chính phủ dân chủ tại đây cho phép người Việt được tạm thời ở lại dù đã hết thời hạn lao động hay du học với điều kiện tự túc, nên đã giúp cho đa số bung khỏi tầm kiềm chế của sứ quán. Những yếu tố này đã làm tan rã hệ thống quản lý của sứ quán Cộng sản Việt Nam.

Phong trào đòi dân quyền của người Việt nổi lên, cũng từ đó các khuynh hướng dân chủ bắt đầu hình thành và tìm cách liên lạc, phối hợp với những phong trào dân chủ bên Tây Âu. Tuy người Việt tại Đông Âu và Liên Xô cũ đều mong muốn đất nước thay đổi có tự do dân chủ, nhưng sự suy nghĩ và phương cách hoạt động của họ còn có rất nhiều dị biệt với cộng đồng người Việt phía Tây Âu. Phần lớn bị ảnh hưởng tuyên truyền của Hà Nội vào thời gian trước đó nên họ có chung một cái nhìn là cộng đồng người Việt phía Tây cực đoan, quá khích, mang âm điệu phục quốc và trả thù, do đó họ rất ngại liên lạc.

Khi các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức thoát khỏi gọng kềm của chủ nghĩa cộng sản và Liên Xô ở trong t́nh trạng rối loạn vào khoảng năm 1990 thì người Việt tại đây, chủ yếu là các du sinh và nghiên cứu sinh, đã chủ động đứng ra phát hành những tờ báo phổ biến các tin tức liên quan đến những thay đổi ở Đông Âu. Có người còn tập hợp một số anh chị em thiện chí lập ra các tổ chức, phong trào đấu tranh. Vào giai đoạn này, đáng kể nhất là phong trào dân chủ hình thành tại Liên Xô và Tiệp Khắc, Đông Đức, Bulgaria, Ba Lan.

Tại Tiệp Khắc, sinh viên học ở thành phố Plzen và Praha đã khởi xướng phong trào dân chủ qua việc thực hiện những tờ báo mang tên Tuổi Trẻ, Diễn Đàn (Praha); Điểm Tin Báo Chí (Plezen); Thời Mới (Ostrava & Zlin) và nhiều bản tin khác, được đông đảo mọi người hưởng ứng. Phần lớn anh chị em sinh viên trong phong trào quy tụ quanh tờ báo, chuyên chở những tin tức về cuộc cách mạng ở Đông Âu và những bài quan điểm chống chế độ độc tài Cộng sản. Ngoài ra vào lúc đó, một số anh chị em sinh viên đã thực hiện được một chương trình phát thanh Việt ngữ tại Praha, tuy chỉ phát nửa giờ mỗi tuần trên làn sóng FM.

Qua sự hỗ trợ của một số giáo sư người Tiệp Khắc, nhóm sinh viên tại Praha và Plzen đã thường xuyên tổ chức nhiều cuộc hội thảo chính trị về tự do, dân chủ và đã mời nhiều đại diện của các tổ chức đấu tranh của người Việt bên Tây Âu sang tham dự và trao đổi. Đặc biệt là trong hai ngày 14 và 15 tháng 12, 1990, đại diện của các tờ báo như Diễn Đàn và Điểm Tin Báo Chí đã tổ chức một cuộc hội thảo chính trị, thành lập Trung tâm Liên kết Người Việt tại Tiệp, do anh Trương Minh Dũng làm đại diện, để nuôi dưỡng phong trào đấu tranh và công bố một bản tuyên cáo với ba yêu cầu:
Thứ nhất, Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phải hủy bỏ điều 4 trong Hiến pháp quy định về vai trò lãnh đạo độc quyền của đảng Cộng sản Việt Nam, điều 2 về chuyên chính vô sản, và điều 6 về nguyên tắc tập trung dân chủ. Chính những điều quy định này đã đưa chế độ tại Việt Nam thành một chế độ độc tài, phản lại những quyền tự do tối thiểu của con người. 
Thứ hai, phải tổ chức bầu cử tự do dưới sự kiểm soát quốc tế để nhân dân Việt Nam được tự do lựa chọn người đại diện của mình.  
Và, Thứ ba, phải lập tức hủy bỏ những điều luật vô lý cấm người dân tự do đi lại, hủy bỏ chế độ hộ khẩu, và công an trị. Chấp nhận chế độ tự do lập hội, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tư tưởng. Chỉ có như vậy nhân dân Việt Nam mới có thể được hưởng những quyền mà Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đã nêu ra và bình đẳng như mọi người trên thế giới.
Mặc dù chính quyền Tiệp cho phép các du sinh và công nhân ở lại Tiệp nhưng giấy tờ hộ chiếu vẫn nằm trong sự kiểm soát của sứ quán Cộng sản Việt Nam, vì thế mà những người lãnh đạo phong trào đấu tranh tại Tiệp đều bị sứ quán trù dập, gây khó khăn nên đa số đã phải rút vào hoạt động bí mật. Những tờ báo của tổ chức Liên kết Người Việt tại Tiệp cũng chỉ tồn tại được đến khoảng giữa năm 1992 thì phải đình bản, và nhân sự của các nhóm này cũng tản mác đi các nơi, đa số sang Đức xin tỵ nạn chính trị.

Tại Liên Xô, khi phong trào dân chủ tại Ba Lan bộc phát, khoảng giữa năm 1988, một số sinh viên và nghiên cứu sinh thuộc trường đại học Tổng hợp Thành phố Mạc Tư Khoa đã xuất bản tờ đặc san Tuổi Trẻ, phổ biến những bài viết phân tích về tính không tưởng của chủ nghĩa xã hội và đề nghị xây dựng xã hội dân chủ đa nguyên tại Việt Nam. Ngoài ra, anh chị em sinh viên cũng đã phóng ảnh và chuyền tay nhau đọc nhiều bài viết của những văn nghệ sĩ ở trong nước như Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp và Trần Mạnh Hảo, bàn thảo về các diễn biến xảy ra tại các nước Đông Âu vào thời đó, tạo ra một không khí phấn khởi trong hàng ngũ người Việt tại Liên Xô.

Giữa năm 1989, sứ quán và cơ quan an ninh của Hà Nội bắt đầu hoạt động bằng cách dọa dẫm và dẫn giải những người chủ chốt về nước. Từ đó, phong trào phải chuyển sang hoạt động bí mật, tung truyền đơn tố cáo các hành động khủng bố của sứ quán và đòi tự do dân chủ. Đến đầu năm 1990, ngoài tờ Tuổi Trẻ, còn có thêm những tờ báo khác như Dân Việt, Bản Tin Kinh Tế xuất hiện ở Mạc Tư Khoa, Tuổi Trẻ ở Kiev và Người Bạn Đường dưới dạng văn học nghệ thuật tại thành phố Leningrad; đồng thời nhiều tờ báo xuất bản tại Tiệp, Đông Đức, Ba Lan cũng được lưu hành rộng rãi tại Liên Xô vào thời đó.

Nhìn chung, những phong trào này đều mang tính cách tự phát, thiếu tổ chức và thiếu sự liên kết giữa các nhóm tranh đấu với nhau vì thiếu căn bản từ đầu là không có sinh hoạt cộng đồng. Mặt khác, giống như tại Tiệp, vì để tránh sự trù dập và đàn áp của sứ quán, nhất là để cảnh giác sự trà trộn “người của sứ quán,” nên hầu hết những thành viên trong các nhóm đấu tranh đều ẩn danh, hoạt động bí mật, do đó rất khó liên kết với nhau.

Riêng tại Đông Đức và Bulgaria, lúc đầu những nhóm sinh viên tại đây chỉ phổ biến những tờ báo xuất bản ở nơi khác cho bạn bè quen biết. Mãi đến năm 1990 khi một số sinh viên Việt Nam chạy trốn sứ quán từ Tiệp và Liên Xô qua Đông Đức, thì phong trào đấu tranh tại Đông Đức mới đa dạng với sự xuất hiện của nhiều tổ chức đấu tranh như Tổ chức Dân chủ Việt Nam phát hành tờ Cánh Én, Đảng Xã hội Dân chủ Việt Nam ra tờ Tia Sáng, Đảng Việt Nam Mới ra tờ Việt Nam Mới và một số tờ báo khác nhau như Diễn Đàn Tự Do Dân Chủ, Thiện Chí và Ngày Mới, nhưng  số lượng phát hành không nhiều và chỉ trong vòng nội bộ.

Tại Bulgaria, từ năm 1991, nhóm sinh viên thanh niên tại Sofia đã cho ra tờ Tiếng Nói loan tải những tin tức và các bài quan điểm chống chính quyền Hà Nội. Đặc biệt là tại Thủ đô Sofia đã xảy ra một cuộc xô xát mang tính cách kỳ thị giữa công an Bulgaria và công nhân hợp tác lao động Việt Nam, khi hàng trăm công an tấn công vào ký túc xá Krasna Poliana vào lúc 3 giờ chiều ngày 17 tháng 3, 1991. Cuộc đàn áp này là một loạt những hành động kỳ thị và khủng bố người Việt có sự tiếp tay của sứ quán Cộng sản Việt Nam trong mục tiêu triệt hạ những sinh viên, công nhân dám kích động người Việt tại Bulgaria đấu tranh đòi tự do dân chủ tại Việt Nam.

Cuộc tấn công vào ký túc xá Krasan Poliana của công an đã khiến cho hai công nhân Việt Nam bị thiệt mang, 10 người bị thương nặng và hơn 50 người bị bắt giữ. Sau đó, sinh viên và công nhân tại Bulgaria đã phát động phong trào đấu tranh để đòi chính quyền Bulgaria giải quyết, nhưng thay vì giải quyết rốt ráo vấn đề thì chính quyền Bulgaria lại làm khó dễ tình trạng lưu trú của sinh viên và công nhân, nên một số anh chị em chủ chốt phong trào đã phải lánh nạn sang quốc gia khác, khiến cho phong trào đấu tranh tại Bulgaria bị tàn lụi vào đầu năm 1993.

Trước tình hình suy yếu chung của các phong trào đấu tranh, những thành viên hoạt động tích cực trong các tờ báo và trong các nhóm đã tổ chức cuộc gặp gỡ thân mật giữa những người Việt đang sống tại các nước cựu cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô cũ vào hai ngày 27 và 28 tháng 2, 1993 ở thị trấn Neuburg an der Donau, Đức Quốc để hình thành một tổ chức chung.

Đây có thể coi là một nỗ lực đáng được ca ngợi của các thành viên trong những đoàn thể, tổ chức người Việt tại các nước cựu cộng sản Đông Âu và Liên Xô, cố gắng tạo dựng lại lực lượng hầu tiếp tục đấu tranh trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn và phức tạp. Đáng tiếc là do áp lực của đời sống và nhất là áp lực của vấn đề cư trú, các nỗ lực đấu tranh của du sinh và công nhân hợp tác tại Đông Âu và Liên Xô đã bị phai nhạt dần từ năm 1995 trở đi.

VIỆT KIỀU YÊU NƯỚC RA KIẾN NGHỊ YÊU CẦU ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM THAY ĐỔI

Vào tháng 4, 1975, trong lúc hàng triệu người Việt bỏ nước tìm tự do đang tạm trú tại các trại tỵ nạn Đông Nam Á, thì cũng có hàng trăm sinh viên du học ra đi từ miền Nam Việt Nam đã “hồ hởi” ca tụng sự cưỡng chiếm miền Nam của đảng Cộng sản Việt Nam. Những người này đã quy tụ chung quanh sứ quán Cộng sản và dựng lên các Hội Việt kiều Yêu Nước tại một số quốc gia tiêu biểu như Pháp, Gia Nã Đại, Tây Đức, Thuỵ Sĩ, Bỉ, Nhật và Hoa Kỳ. Nhưng đến đầu thập niên 1980, hầu hết các Hội Việt kiều Yêu Nước này đều đi vào thời kỳ suy yếu và khủng hoảng cùng cực vì đa số mất niềm tin vào chế độ.

Có thể nói là vào thời kỳ này, hội viên thì xa lánh hội, còn các hội thì xa dần chế độ; thậm chí những buổi tiếp đón các quan chức của chế độ ra công cán hải ngoại đã không ai thèm đến, hoặc đến cho có lệ xong rồi mạnh ai nấy ra về. Tuy nhiên, từ năm 1986, khi đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra chính sách đổi mới, một không khí mới đã phát sinh trong các Hội Việt kiều.

Đầu năm 1987, Hội Người Việt Yêu Nước tại Tây Đức do Bùi Văn Nam Sơn làm chủ tịch đã đi bước tiên phong tổ chức đại hội với khẩu hiệu “Vì một nước Việt Nam đổi mới, nãng động và phát triển,” đưa ra một kiến nghị kêu gọi mọi thành viên ủng hộ chính sách đổi mới của đảng. Nương theo khí thế này, các Hội Việt kiều Yêu Nước khác cũng tổ chức đại hội, ra kiến nghị ủng hộ đổi mới và thành lập nhiều phái đoàn Việt kiều về nước gặp gỡ giới lãnh đạo đảng, phát biểu ý kiến về nhu cầu đổi mới trên đài và trên báo chí nhà nước.

Đến năm 1988, việc Nguyễn Văn Linh ra lệnh siết lại và phê phán gay gắt những ai đòi dân chủ đa nguyên đã làm cho phong trào ủng hộ đổi mới của Việt kiều xẹp xuống, tạo ra sự phẫn nộ trong một số Việt kiều về thái độ cực quyền của đảng Cộng sản. Tờ Đất Việt, vốn là tờ báo của Hội Việt kiều Yêu Nước tại Gia Nã Đại, đã từng thay mặt tòa đại sứ Hà Nội một thời gian khi Hà Nội không đủ tiền cử đại sứ ở nước này, đã lên tiếng công kích đầu tiên về chính sách siết lại của Nguyễn Văn Linh. Trong một bài viết ký tên Trương Tam, bút hiệu của một bác sĩ từng là trưởng ban học tập của phong trào, tác giả đã viết một bài nhận định về bản chất của đảng Cộng sản với tựa đề “Suy nghĩ về đổi mới,” được coi là cấp tiến nhất của Phong trào Viêt Kiều vào thời đó. Một đoạn trong bài viết này được trích dẫn như sau:
Nỗi thống khổ và thời gian không cho phép chúng ta trù trừ làm thỏa thuận mãi được. Đảng nên tự giải tán để trả lại chức năng quản lý cho nhà nước, quyền làm chủ tập thể cho nhân dân. Mọi việc không phải Bộ chính trị, rồi Ban chấp hành trung ương thông qua, mới đến Quốc hội. Hội đồng chính phủ phải thực hiện rồi v.v... và v.v... Mọi thứ trật tự vẫn làm tê liệt xã hội. Quốc hội mới là cơ quan thực sự tập hợp những con người ưu tú nhất của đất nước. Chính phủ được cởi trói mà có chính sách rộng rãi, các tổ chức nhân dân sẽ giữ vai trò “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.” Khoa học, văn hoá, văn nghệ v.v... mới có cơ mà phát triển.  
Đồng thời với sự giải tán của đảng, Quốc hội phải sửa đổi Hiến pháp, bỏ độc quyền lãnh đạo, cho phép tổ chức nhiều đảng phái (trong điều kiện lịch sử của dân tộc, các đảng phái không thể mang ý nghĩa và tính chất chính trị và giai cấp tranh giành quyền lực như các đảng phái cổ điển ở các nước tư sản), đặt vấn đề nhiệm kỳ có giới hạn, lập các hội đồng cố vấn, bảo đảm tính luân chuyển và kế thừa v.v... Quyền làm chủ tập thể tự nó sẽ được xác lập vì là động lực và mục tiêu của xã hội. Một xã hội như thế có phải là vô chính phủ? Theo thiển ý, một kiến thức thượng tầng thể hiện được tính đa dạng và phức tạp của cuộc sống sẽ rất vững chắc, nó mở cửa ra tương lai và biết rút ra nhanh chóng những bài học của quá khứ. Lòng tin vào cuộc sống sẽ trở lại, mọi người, trong điều kiện của từng người, sẽ tham gia xây dựng và kiện toàn cơ chế mới đó...
Bài viết của Trương Tam cũng như nhiều bài viết khác của những thành viên đã từng hoạt động tích cực trong phong trào Việt kiều Yêu Nước đã khiến đảng Cộng sản lo ngại và ra lệnh cho các ban chấp hành hội kiểm thảo. Tình hình này đã dẫn đến nhữrng xung đột dữ dội giữa những thành viên ủng hộ và chống lại lệnh “kiểm thảo” của đảng, khiến cho các Hội Việt kiều Yêu Nước bị phân hoá trầm trọng.

Các hội bị bể ra làm nhiều nhóm nhỏ, mất dần sinh khí hoạt động. Tháng 5, 1989, tại hội nghị Việt kiều tổ chức ở Tây Đức, một lần nữa Hội Việt kiều Yêu Nước đã khẳng định khoảng cách giữa các hội cùng tờ báo của hội với chế độ ở Việt Nam. Tại đây, các đại diện của những Hội Việt kiều Yêu Nước phê phán tính cách độc đoán của đảng Cộng sản Việt Nam, và kiến nghị ban lãnh đạo chấp nhận chế độ đa đảng.

Tờ Diễn Đàn Mới ở Bỉ đã công khai chống lại chuyên chính ở Việt Nam. Tờ Đất Việt ở Gia Nã Đại, tờ Đoàn Kết ở Pháp, Đất Nước ở Úc, Nước Việt tại Thuỵ Sĩ, và Đất Nước ở Đức đã liên kết tạo thành một diễn đàn chống lại thể chế chuyên chính tại Việt Nam. Đầu năm 1990, hàng loạt kiến nghị, tâm thư của các Hội Việt kiều yêu nước tung ra đã tạo thành một phong trào khá rầm rộ đòi hỏi chế độ phải thay đổi.

Đặc biệt, ngày 22 tháng 1, 1990, một Tâm Thư gửi lãnh đạo Hà Nội về việc cải tổ hệ thống chính trị tại Việt Nam đã được chuyền cho nhau trong giới lãnh đạo của các Hội Việt kiều Yêu Nước, thu hút khoảng 600 người ký tên có nội dung như sau:
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, hãy vì quyền lợi tối cao của dân tộc, sớm cải tổ hệ thống chính trị hiện có bằng cách:  
1) Thực sự tách rời những định chế của nhà nước ra khỏi bộ máy chính đảng để cho nhà nước thu hồi trọn vẹn những quyền lập pháp, tư pháp của mình, và để cho không một ai, một tổ chức nào có thể đứng trên và chi phối nhà nước. 
2) Thiết lập một nền dân chủ đa nguyên thực sự bảo đảm an toàn cá nhân và các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, lập đảng... nhằm tạo điều kiện cho mọi người Việt Nam, không phân biệt quá khứ, chính kiến hay tôn giáo tham gia luận bàn và đặc biệt thông qua tuyển cử tự do, làm và kiểm tra việc nước. 
3) Ngay trước mắt, mở ra cuộc đối thoại thành tâm với toàn thể xã hội, để toàn dân bàn định một cương lĩnh hành động và đề ra những biện pháp cấp bách đặt nền tảng cho mọi chế độ thật sự lấy dân làm gốc.
Bức Tâm Thư đã không chỉ bị đảng Cộng sản Việt Nam liệt vào loại “phản động” mà những người ký tên còn bị cáo buộc là có âm mưu chống lại đảng và nước Cộng sản Việt Nam. Hà Nội đã ra lệnh cho các sứ quán không cấp chiếu khán cho những ai đã ký vào Tâm Thư, thậm chí trục xuất một Việt kiều khi về tới phi trường. Song song, Cộng sản Việt Nam đã cử một số cán bộ cao cấp kín đáo ra hải ngoại tiếp xúc với một số hội viên các Hội Việt kiều để chiêu dụ và tạo sự phân rã hàng ngũ các Hội Việt kiều Yêu Nước.

Trước những hành động trấn áp của Hà Nội, đa số các thành viên của những Hội Việt kiều Yêu Nước đã chùn bước không dám đòi hỏi mạnh nữa vì sợ bị ghi vào sổ đen không cho về Việt Nam. Một số nhỏ rút vào bóng tối, viết bài phê phán chế độ chứ không còn công khai chỉ trích như trước nữa. Nói chung, phong trào dâng kiến nghị của các Hội Việt kiều Yêu Nước bộc phát trong ba năm từ 1988 đến 1990 thì tàn lụi theo thời gian.

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN TẠI HẢI NGOẠI VỚI PHONG TRÀO ĐẤU TRANH GIÀNH LẠI TỰ DO DÂN CHỦ CHO VIỆT NAM

Nhờ sống trong môi trường tự do dân chủ và nhờ được thừa hưởng trực tiếp những thành quả của cuộc cách mạng tin học ngay vào cuối thập niên 1980 của thế kỷ 20, cộng đồng người Việt tại hải ngoại đã theo dõi rất kỹ và rất sát về mọi biến động xảy ra tại các quốc gia cộng sản vào thời gian này, bắt đầu từ biến cố Thiên An Môn (tháng 6, 1989) ở Trung Quốc, sang đến cuộc đấu tranh ngoạn mục của Công đoàn Đoàn kết tại Ba Lan rồi đến các cuộc biểu tình rầm rộ tại Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Đông Đức, Bulgaria, và Romania, cho đến cuộc đảo chánh bất thành của nhóm giáo điều đưa đến sự sụp đổ của đế quốc Liên Xô vào cuối năm 1991. Những tin tức nóng bỏng và dồn dập này đã tác động lên lòng nhiệt thành đấu tranh của người Việt tỵ nạn, nên có thể nói là ở khắp nơi, người Việt tỵ nạn và các đoàn thể, tổ chức đấu tranh đã cùng nhau hợp tác hình thành những phong trào đấu tranh với hai nỗ lực: Thứ nhất, hỗ trợ các cá nhân, đoàn thể đấu tranh tại quốc nội để đẩy mạnh sự ra đời của các phong trào đấu tranh quần chúng như tại các quốc gia Đông Âu; và thứ hai, vận động áp lực quốc tế can thiệp, bảo vệ sự lên tiếng đòi đa nguyên đa đảng của các nhà đối kháng và các văn nghệ sĩ tại Việt Nam.

Để thực hiện hai mục tiêu đấu tranh này, các đoàn thể, đảng phái và cộng đồng người Việt hải ngoại đã tiến hành nhiều loại công tác và sinh hoạt khác nhau, từ tháng 6 năm 1989 kéo dài cho đến cuối năm 1993, với ba thời kỳ đáng chú ý.

Thời kỳ thứ nhất bắt đầu từ tháng 6, 1989 đến tháng 9, 1990. Đây là giai đoạn “trăm hoa đua nở” với sự xuất hiện của hàng trăm bản tuyên ngôn, tuyên cáo ký tên bởi các cá nhân, đoàn thể, đảng phái, tổ chức đấu tranh, cộng đồng và các hội thanh niên sinh viên trên toàn thế giới, kêu gọi thành lập các phong trào đấu tranh giành tự do dân chủ cho Việt Nam. Hầu hết các tuyên ngôn, tuyên cáo của các phong trào đấu tranh vào lúc này đều có chung một số nhận định là cùng nhau liên kết hỗ trợ các tiếng nói đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam.

Khởi đầu của nỗ lực này là từ anh chị em thanh niên sinh viên Việt Nam tại Liên bang Úc Châu. Các anh chị em này đã kết hợp tổ chức cuộc tuần hành nhân quyền tại Thủ đô Canberra, Úc Châu, và đưa đến sự ra đời của Phong trào Thanh niên Sinh viên Tranh đấu vào tháng 6 năm 1989. Sự lên tiếng kêu gọi đấu tranh của Phong trào Thanh niên tại Úc được đưa ra trùng lúc với cuộc thảm sát của nhà cầm quyền Bắc Kinh đối với hàng ngàn sinh viên tại Thiên An Môn vào ngày 4 tháng 6, 1989, và đã kích thích giới thanh niên sinh viên Việt Nam ở khắp nơi tham gia; nhiều đoàn thể quốc gia cũng đã đứng lên nhập cuộc. Vì thế mà không đầy 10 tháng kể từ tháng 6, 1989 đến tháng 7, 1990 đã có gần 30 phong trào đấu tranh của giới trẻ và của các đoàn thể, cộng đồng người Việt tham gia như tại Nam California, Bắc California, Houston, Paris, Tokyo, Toronto, Seattle, Sydney, Melbourne, Genève, Oslo và nhiều nơi khác trên toàn thế giới.

Những phong trào đấu tranh này đã cùng tham dự một đại hội tổ chức vào tháng 7, 1990 tại Paris để bàn về những phương thức phối hợp đấu tranh hầu nuôi dưỡng cho phong trào tiến bước lâu dài. Nhờ cuộc gặp gỡ này mà các phong trào đấu tranh ở khắp nơi đã có cơ hội liên kết và phát huy các nỗ lực đấu tranh theo môi trường chung quanh.

Lập trường đấu tranh của các Phong trào Giành Tự do Dân chủ vào lúc này đều có chung một nền tảng:

  1. Tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam; 
  2. Sát cánh với mọi phong trào chống đối trong nước; 
  3. Hỗ tương yểm trợ công cuộc đòi hỏi đổi mới, đòi xét lại chế độ cộng sản từ căn nguyên để trở về với lập trường dân tộc của các anh chị em cán binh, văn nghệ sĩ, trí thức trong hàng ngũ Cộng sản nay đã nhìn ra con đường dân chủ tất yếu của đất nước; và
  4. Tranh đấu để tiến đến tự do dân chủ đa nguyên, nhưng không chấp nhận chủ nghĩa Cộng sản và tệ nạn quan liêu, phong kiến, độc tài dưới bất cứ hình thức nào tại Việt Nam.

Lập trường đấu tranh uyển chuyển nói trên đã giúp cho các đảng phái, tổ chức đấu tranh của người Việt ở trong và ngoài nước có thể khai thác những thay đổi của tình hình, mở ra nhiều hình thái đấu tranh và đưa đến sự hình thành nhiều hình thức kết hợp giữa các đoàn thể như Liên Minh Các Phong Trào Đấu Tranh Giành Tự Do Dân Chủ Cho Việt Nam (1990), Mặt Trận Quốc Dân (1992), và Hội Nghị Liên Kết Người Việt Tự Do (1995) sau này.

Thời kỳ thứ hai từ tháng 9, 1990 đến cuối năm 1991. Đây là thời kỳ các phong trào đấu tranh giành tự do dân chủ cho Việt Nam đã phối hợp với các đảng phái và cộng đồng mở những chiến dịch chuyển tin tức về sự tan rã của các chế độ cộng sản tại Đông Âu và nhất là sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết về Việt Nam, đồng thời mở ra các cuộc vận động chính giới tại các quốc gia dân chủ lên tiếng ủng hộ những tiếng nói đối kháng của một số văn nghệ sĩ tại Việt Nam.

Đa số tài liệu được các phong trào và nhiều đoàn thể đấu tranh thực hiện dưới ba dạng: Thứ nhất, những tin tức đấu tranh được thu ngắn, gửi dưới dạng thư thăm hỏi đồng bào trong nước. Thứ hai, những băng video ghi lại các tin tức biểu tình của những phong trào quần chúng như tại Ba Lan, Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc, dưới hình thức băng ca nhạc chuyển về cho người thân. Và thứ ba, những hình ảnh và tài liệu sách báo để giúp cho đồng bào, cán binh Cộng sản Việt Nam có cơ hội hiểu rõ tình hình đấu tranh tại các quốc gia Đông Âu và Liên Xô cũ.

Những tài liệu này đã được các phong trào và các tổ chức chia nhau gửi đến từng địa chỉ của đồng bào từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Trong giai đoạn đầu, việc chuyển tin tức mà các phong trào thường gọi vào lúc đó là “Công tác Chuyển Lửa Về Quê hương” đã đạt được kết quả khá cao, nhiều đồng bào đã nhận được mà công an không hề hay biết; nhưng càng ngày số lượng chuyển tin càng nhiều và dồn dập, đã khiến cho công an Việt cộng bắt đầu để ý theo dõi.

Trong những tài liệu cảnh giác về diễn biến hòa bình, công an đã báo động trong nội bộ về những tài liệu “phản động” gửi từ hải ngoại vào trong nước với số lượng lớn. Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã đe dọa mọi người là không được đọc, khi nhận được phải cáo ngay cho công an hay cơ quan trực thuộc.

Chỉ trong hai năm 1989 và 1990, công an cho biết là họ đã chận và giữ lại khoảng trên 80.000 tài liệu đủ loại đuợc các phong trào gửi vào cho đồng bào tại Việt Nam. Con số mà Hà Nội khoe khoang giữ lại chỉ là một phần rất nhỏ trong hàng trăm ngàn tài liệu đã được các phong trào, cá nhân, đoàn thể, đảng phái, cộng đồng chuyển về Việt Nam một cách kín đáo và bí mật.

Song song với công tác phá vỡ sự bưng bít thông tin qua Chiến Dịch Chuyển Lửa về Quê hương, các đoàn thể, tổ chức của người Việt quốc gia cũng đã tích cực tham gia những buổi nói chuyện, trao đổi và phối hợp công tác đấu tranh chung với một số tổ chức, đoàn thể do những anh chị em du sinh và công nhân hợp tác tại Đức, Tiệp Khắc và Liên bang Nga thành lập. Nhờ nỗ lực tiếp cận này mà những ngộ nhận, thành kiến giữa hai môi trường Đông và Tây đã được nêu ra để mọi người có điều kiện giải tỏa hầu có thể hợp tác trong lâu dài.

Thời kỳ thứ ba từ đầu năm 1992 đến năm 1993. Đây là thời kỳ Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn và lúng túng khi họ bị chính giới quốc tế và cả cộng đồng người Việt hải ngoại đả kích về những đàn áp chính trị tại Việt Nam. Chiến dịch đấu tranh cho các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm đã được các phong trào, đảng phái cùng đồng loạt phát động với sự hưởng ứng mạnh mẽ của các đoàn thể trong cộng đồng. Danh sách tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm đã được công bố từng đợt, tạo thành một hồ sơ với đầy đủ chi tiết được công bố trước công luận, khiến cho Cộng sản Việt Nam không thể chối cãi là Việt Nam đang giam bắt nhiều tù nhân chính trị.

Chiến dịch đấu tranh cho tù nhân chính trị còn giúp cho các nhà đối kháng tại quốc nội mạnh dạn hơn trong những lên tiếng đòi dân chủ đa nguyên, và nhất là phê phán tình trạng cai trị kiểu gia trưởng của guồng máy đảng. Song song, các phong trào và nhiều đoàn thể trong cộng đồng đã phối hợp tổ chức hàng loạt các cuộc nói chuyện về “tình hình tù nhân chính trị tại Việt Nam,” thu hút sự tham gia rộng rãi của đồng bào.

Nhờ chiến dịch đấu tranh này mà cộng đồng người Việt hải ngoại đã tạo được nhịp cầu cảm thông với các nhà đối kháng ở trong nước, đồng thời biến nó thành một vũ khí đấu tranh thường trực để đặt vấn đề với các phái đoàn Cộng sản Việt Nam mỗi khi họ đi vận động ngoại giao, kinh tế và thương mại tại những quốc gia tự do như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc Châu và các nước trong vùng Trung và Tây Âu.

oOo

Trong ba năm, từ năm 1989 khi biến cố Đông Âu bắt đầu bộc phát từ Ba Lan đến cuối năm 1991 với sự sụp đổ toàn diện của khối Cộng sản Quốc tế tại Liên Xô cũ, đảng Cộng sản Việt Nam bỗng chốc rơi vào hoàn cảnh mồ côi giữa chợ.

Mọi hành xử của đảng Cộng sản Việt Nam trước đây đều được đế quốc Liên Xô chỉ đạo và yểm trợ một cách toàn diện; khi Liên Xô gặp khủng hoảng và toàn thể các nước trong khối Cộng sản bị rúng động vì cơn bão dân chủ thổi đến, Hà Nội đã phải vội vã quay sang khấu tấu Bắc Kinh qua Hội Nghị Thành Đô vào năm 1990, để tìm chỗ dựa hầu cứu nguy chế độ. Tránh cơn bão dân chủ hầu duy trì quyền lực độc tôn, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa toàn thể đất nước dính vào tròng lệ thuộc Trung Cộng từ năm 1990 kéo dài cho đến ngày hôm nay.