Saturday, November 9, 2019

30 năm, một chặng đường

Ba mươi năm là khoảng thời gian ngắn ngủi so với dòng lịch sử loài người. Nhưng 30 năm là một chặng đường đủ dài để một đất nước cất cánh nếu có một chương trình canh tân phù hợp.

Sự hưng thịnh và tiến bộ của đất nước Phù Tang đã vươn lên vào giữa thập niên 1970, sau những nỗ lực canh tân khởi đi từ đống tro tàn khủng khiếp của Thế chiến Thứ hai năm 1945. Nam Hàn và Đài Loan cũng trở thành con Rồng Châu Á vào đầu thập niên 1990 sau khi chính quyền Phác Chánh Hy và Tưởng Giới Thạch bắt đầu chương trình cải cách vào đầu thập niên 60 để thoát cảnh nghèo đói.

Tám quốc gia tại Đông Âu cũng vậy, nếu trận động đất chính trị năm 1989 đã đưa đến việc giải phóng người dân và xã hội ra khỏi khuôn thước giáo điều Mác - Lênin, thì làn sóng dân chủ và kinh tế thị trường đã giúp các quốc gia này phục hồi nhanh chóng và ngày nay, họ đã trở thành những nước công nghiệp tiên tiến trong khối Liên Âu.

Việt Nam vào năm 1989 cũng ở vào hoàn cảnh tương tự như 8 quốc gia Đông Âu: nghèo nàn, lạc hậu và bị thế giới cô lập. GDP bình quân đầu người Việt Nam vào lúc đó chỉ đạt mức 98 Mỹ kim/người, thua cả Lào (186 Mỹ Kim) và Campuchia (191 Mỹ Kim). Thay vì đi theo con đường thoát Cộng của tám quốc gia Đông Âu thời đó, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã lấy Trung Quốc làm mẫu mực, tiếp tục “xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” với sự ra đời của bản Cương lĩnh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII vào tháng 6 năm 1991, nửa năm sau khi Liên Bang Xô Viết giải thể.


Nhiệm vụ trọng tâm của Cương lĩnh đưa ra vào lúc đó là “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” để đến năm 2020 Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nói cách khác, lãnh đạo Cộng sản Việt Nam lúc đó tin tưởng rằng Việt Nam cũng sẽ hóa Rồng sau 30 năm (1990-2020) cải cách bằng con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa.

Ngày 13 tháng 4, 2016, ngày cuối cùng phiên họp Quốc Hội Khóa 13, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc hội, đã chính thức tuyên bố rằng mục tiêu công nghiệp hóa đất nước đến năm 2020 là không thể đạt được, dù lúc đó còn đến 4 năm nữa mới tới thời điểm phải hoàn tất. Sự kiện Quốc hội tuyên bố mục tiêu công nghiệp hóa năm 2020 không đạt kết quả cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam đã thất bại trong công cuộc canh tân quốc gia sau 30 năm đổi mới. Nói cách khác, Việt Nam đã không thể cất cánh trở thành con Rồng Á Châu sánh vai với Nam Hàn, Đài Loan và Tân Gia Ba sau 30 năm phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Người ta đưa ra một số lý do giải thích về sự kiện Việt Nam không thành công trong kế hoạch đạt mức công nghiệp hóa vào năm 2020. Như các nhà soạn kế hoạch đã quá chủ quan với tư duy điều hành kinh tế theo kiểu duy ý chí, đặt kế hoạch từ trên xuống theo nguyên tắc tập trung. Tuy đưa ra mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa, nhưng đa số các chính sách kinh tế trong suốt 30 năm chỉ tập trung vào việc thu hút đầu tư ngoại quốc để sản xuất xuất khẩu. Nhiều chuyên gia còn cho rằng việc lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đưa ra chủ trương công nghiệp hóa vào lúc đó chỉ là để tuyên truyền, vì trong thực tế đảng và nhà nước không hiểu chiến lược công nghiệp hóa là gì.

Những chính sách cải cách kinh tế nửa vời, dè chừng, tuy có mang lại một số thay đổi, nhưng về căn bản, đất nước và xã hội Việt Nam đã không phát triển lành mạnh được như tại các quốc gia Đông Âu theo đúng tiềm năng của dân tộc. Chính bộ máy độc tài của đảng Cộng sản Việt Nam đã biến Việt Nam thành một xứ “tư bản hoang dã”, cạnh tranh theo quy luật “mạnh được yếu thua.” Nói cách khác, sau 30 năm “mở kinh tế - siết chính trị,” nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam không chỉ thất bại trong mục tiêu công nghiệp hóa đất nước để trở thành con Rồng Á Châu, mà còn biến thành một quốc gia phát triển bất bình đẳng về mọi mặt.

Theo tính toán của tổ chức Oxfam (một liên minh quốc tế gồm 17 tổ chức tìm giải pháp cho vấn đề nghèo đói và bất công toàn cầu), mức độ thay đổi khoảng cách về thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất ở Việt Nam như sau: Nhóm giàu nhất Việt Nam có thu nhập trong một ngày cao hơn thu nhập của nhóm Việt Nam nghèo nhất thu nhập trong 10 năm, và tài sản của nhóm giàu nhất này lớn tới mức có thể tiêu một triệu Mỹ kim mỗi ngày trong sáu năm mới hết.

Cùng với khối tài sản lớn là tiềm năng thu nhập từ tín dụng cũng lớn. Trong một giờ, người giàu nhất Việt Nam có mức thu nhập cao hơn gần 5.000 lần số tiền mà nhóm 10% nghèo nhất Việt Nam chi hàng ngày cho các nhu cầu thiết yếu. Tại một số tỉnh, nhóm 20% người giầu nhất có thu nhập cao gấp 21 lần nhóm 20% nghèo nhất. Thu nhập một năm của 210 cá nhân siêu giàu ở Việt Nam (được định nghĩa là những người có tài sản trị giá trên 30 triệu Mỹ kim) có thể giúp cho 3.2 triệu người vượt mức nghèo đói.

Theo tổ chức Knight Frank (chuyên cố vấn địa ốc của Anh) thì mức gia tăng thu nhập của nhóm siêu giàu tại Việt Nam trong 10 năm từ 2006 đến 2016 tăng 320% -- cao hơn cả Ấn Độ (290%), Trung Quốc (281%), và gấp sáu lần Hong Kong (50%) – tức Việt Nam đứng đầu thế giới. Con số này dự trù cho giai đoạn 2016-2026 vẫn dẫn đầu thế giới ở mức 170%.

Ngoài ra theo Wealth Report (2018) của Knight Frank, số lượng triệu phú Mỹ kim ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng từ 14.300 hiện nay lên 38.600 người trong 10 năm tới. Đa số những triệu phú này đến từ lợi ích của kinh doanh bất động sản. Nói cho đúng hơn là những triệu phú Mỹ kim này đã cấu kết với chính quyền để cướp đất, cướp nhà của người dân và đẩy họ trở thành những dân oan.

Nguyên nhân chính là sự quy định rất mù mờ về “sở hữu toàn dân” trong Luật Đất Đai, từ đó đưa đến vấn đề lạm dụng quyền lực để tham nhũng đã xảy ra trắng trợn tại Việt Nam suốt 30 năm qua và không hề thuyên giảm. Cán bộ nhà nước có thẩm quyền ở các cấp đã cấu kết với các doanh nhân, núp dưới danh nghĩa đầu tư các công trình phát triển kinh tế và xã hội để trưng thu một số lượng đất đai rất lớn do nhà nước quản trị vào mục đích kinh doanh của mình. Thông qua việc chạy chọt các thủ tục và các hợp đồng ăn chia giữa các cán bộ có thẩm quyền, đất do nhà nước cấp cho tư nhân bị thu hồi với giá đền bù rẻ mạt, kể cả đất đai tư của người dân đang canh tác hoặc sử dụng thì bị cưỡng bách giao nộp, và đền bù cho chủ đất với giá rẻ như bèo. Cụ thể là đền bù cho chủ đất một phần rồi phân lô bán nền với giá cao hơn gấp cả trăm lần.

Trong trường hợp người dân không đồng tình vì giá cả đền bù quá rẻ mạt, thì chính quyền lấy danh nghĩa các công trình quan trọng của nhà nước và dùng lực lượng công an, thậm chí cả quân đội, để cưỡng chế bằng vũ lực. Nhiều vụ cưỡng chế đã đổ máu như khu đô thị Ecopark ở Hưng Yên, Giáo xứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng hay khu đô thị mới ở Thủ Thiêm, Quận 2, Sài Gòn đã trở thành những bi kịch xã hội kéo dài đến hôm nay chưa giải quyết xong. Đối với những người không chấp nhận sự bất công đứng lên chống trả lực lượng cưỡng chế thì oan khiên lại đổ ập lên gia đình họ. Lúc đó, họ không chỉ mất nhà mất đất, mà bản thân họ và những người trong gia đình sẽ rơi vào vòng lao lý, tù tội như vụ anh em ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng.

Đây cũng là lý do giải thích vì sao hầu hết các đại gia triệu phú Mỹ kim ở Việt Nam hiện nay đều giàu, và giàu nhanh, do kinh doanh đất đai và bất động sản. Có thể khẳng định rằng những doanh nghiệp có tầm cỡ ở Việt Nam hiện nay hầu hết liên quan rất ít đến các ngành công nghiệp, dịch vụ, mà chủ yếu là kinh doanh đất đai. Sự giàu lên một cách chóng mặt của các đại gia chủ yếu là từ những quan hệ đất đai với nhà nước. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới tình trạng một số ít người giàu lên nhanh chóng nhờ đất, trong khi đó thì có hàng nghìn, hàng vạn người dân đã bị đẩy ra đường trở thành dân oan, vô gia cư, không nghề nghiệp, sống vất vưởng, uất ức trên chính quê hương mình.

Đây là sản phẩm đặc thù của 30 năm đổi mới xã hội Việt Nam, và là một vấn nạn nhức nhối, kéo dài âm ỉ cho đến nay vẫn chưa có lối thoát. Điều đáng nói hơn là sự giàu có nhanh chóng của giới đại gia, xã hội Việt Nam đã hình thành thêm một thế lực mới đi song song với thế lực Đảng quyền (gồm những cán bộ lãnh đạo cao cấp trong đảng và nhà nước) và Tư bản Đỏ (gồm những con em, thân nhân, bà con cán bộ) là các Nhóm Lợi ích, và ở Trung Quốc là Tư bản Bè phái, tức “Crony Capitalism”).

Đây là nhóm người có đặc trưng liên quan đến những người có chức, có quyền về mọi khía cạnh, kể cả nhân sự, tài chính, ngân sách, công an, quân đội, đất đai, hầm mỏ, rừng và biển. Họ cấu kết với nhau thành những nhóm theo từng lãnh vực, có chung mục tiêu lợi ích, và thao túng quyền lực để bảo vệ quyền lợi của nhóm. Ngoài ra, những nhóm lợi ích này không chỉ nuôi dưỡng mà còn khuyến khích tham nhũng, tạo thành những nhóm quyền lực đan xen chằng chịt trong hệ thống.

Các vụ tham nhũng thông qua cấu kết này ngày càng gia tăng; lạm dụng chức, quyền chồng chéo với lợi nhuận; mua chuộc quyền lực, tình dục và che đậy tội phạm; cấu kết giữa quan chức với doanh nhân, giữa cấp trên với cấp dưới; cả một thế giới cấu kết tiền-quyền-lợi trắng trợn nhưng biến hóa huyền ảo giữa các đường dây chằng chịt khôn lường. Đây là loại thế lực, tuy mới phát sinh, nhưng nguy hiểm nhất hiện nay vì nó không chỉ tiếp tay nuôi dưỡng guồng máy tham ô, mà còn ngăn chận tiến trình phát triển lành mạnh và dân chủ hóa Việt Nam.

oOo

Sau 10 năm nghiên cứu về các diễn biến ở Đông Âu, chúng tôi đã tổng hợp và xuất bản tập sách lấy tựa đề “Đông Âu tại Việt Nam” vào đầu năm 2007. Dựa trên những nghiên cứu này, chúng tôi nghĩ rằng các diễn biến đã từng xảy ra làm sụp đổ khối Cộng sản Liên Xô vào năm 1991, có thể sẽ lập lại ở Trung Quốc và Việt Nam. Đương nhiên sự lập lại này không giống nhau hoàn toàn, nhưng bản chất của các hiện tượng xảy ra thì sẽ gần giống nhau, tùy theo phản ứng đối phó của ban lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, cũng như tùy theo sự chủ động nhiều hay ít của các lực lượng dân chủ trong việc điều hướng các phong trào quần chúng để tạo áp lực thay đổi lên chế độ.

Sự thay đổi nhanh chóng ở Đông Âu tự bản chất là sự kết hợp của “phong trào quần chúng nổi dậy” với những xoay chuyển chính trị bất khả kháng của từng chế độ, dựa trên bốn căn nguyên được tổng hợp vào lúc đó.

Thứ nhất, những bất đồng quan điểm trong các chính sách cải tổ đã dẫn đến tình trạng phân liệt trong hàng ngũ lãnh đạo, khiến các đảng cộng sản lúng túng trong việc đối phó trước những đòi hỏi cải cách chính đáng của quần chúng và của các khuynh hướng đối lập.

Thứ hai, sự bất mãn của người dân đã biểu hiện thành những phong trào phản kháng, dẫn đến tình trạng bất phục tùng dân sự với sự xuất hiện của nhiều tổ chức ngoài luồng, những tổ chức đối lập, đã khiến cho các cơ quan, đoàn thể của chế độ không còn có khả năng kiểm soát người dân.

Thứ ba, tình trạng cải cách nửa vời đã tạo ra nạn tham nhũng trầm trọng, dẫn đến những bất ổn xã hội, cùng với sự bùng phát của những phong trào đấu tranh quần chúng một cách rộng lớn và đa diện trên toàn quốc, vượt ra ngoài khả năng ứng phó của các lực lượng bảo vệ chế độ, từng bước làm tê liệt mọi sinh hoạt của quốc gia.

Thứ tư, những áp lực của quốc tế trên các mặt nhân quyền và tự do dân chủ lên các chính quyền cộng sản trong tiến trình mở rộng giao thương buôn bán, đã phần nào làm chùn bước những đòn khủng bố của đảng cầm quyền, đồng thời gián tiếp hỗ trợ sức đấu tranh của các cá nhân và tổ chức đối kháng.

Bốn yếu tố này không đương nhiên xảy ra cùng một lúc và cũng không giống nhau ở từng nước; nhưng tất cả các quốc gia tại Đông Âu và kể cả Liên Xô cũ trước khi rơi vào tiến trình sụp đổ, đều trải qua những cuộc khủng hoảng do bốn yếu tố này tác động theo một chuỗi những biến động từ nhỏ đến lớn, cùng với những vận động chính trị, đã tạo ra những khủng hoảng xã hội, đẩy các chế độ cộng sản rơi vào thế thoái lui nhượng bộ rồi mất hẳn quyền lực.

Những diễn biến này ít nhiều đã xảy tại Việt Nam và cả Trung Quốc trong 30 năm vừa qua, dưới nhiều hình thức khác nhau. Riêng tại Việt Nam, từ năm 1990 cho đến nay, cuộc đấu tranh chấm dứt độc tài và xây dựng dân chủ của các lực lượng dân tộc, đã đi song song cùng với những đợt phản kháng mang màu sắc xã hội như phong trào bà con dân oan đòi đất, công nhân đòi tăng lương, ngư dân đòi biển sạch, và người dân đòi bãi bỏ Luật An ninh Mạng gần đây, đã và đang tạo khá nhiều sức ép lên chế độ Hà Nội.

Nhưng trong 30 năm qua, nhà cầm quyền CSVN cũng đã học từ những nguyên nhân thất bại của các chế độ Cộng sản tại Đông Âu, để rút ra một số đối phó.

Trước hết, để tránh tình trạng phân liệt thượng tầng lãnh đạo dẫn đến sự đấu đá cùng cực, bất phân thắng bại trong nội bộ đưa đến nguy cơ tan rã, phe nắm quyền lực tại Hà Nội lẫn Bắc Kinh đều áp dụng chung một công thức là chỉ tấn công vào đám đàn em để dằn mặt, và dừng ở đó không mở rộng cuộc chiến, dẫn đến tình trạng “cạn tàu ráo máng” đối với những thủ lãnh của các phe phái khác. Ví dụ Tập Cận Bình chỉ tấn công và triệt hạ Bạc Hy Lai để dằn mặt đàn em phe Giang Trạch Dân, nhưng không đụng đến vị trí và gia đình của lãnh tụ Giang Trạch Dân, hay chỉ bắt giữ Chu Vĩnh Khang nhưng không đụng đến quyền lực của lãnh tụ Hồ Cẩm Đào, vốn là kẻ đứng đàng sau giúp cho họ Chu trong nhiều năm dài.

Nguyễn Phú Trọng hiện nay cũng vậy, bắt giữ và kết án 30 năm tù giam đối với Đinh La Thăng và truy tố gần 30 đàn em của Nguyễn Tấn Dũng ở nhiều lãnh vực, nhưng Nguyễn Phú Trọng không đụng gì đến vị trí và gia đình của chính lãnh tụ Nguyễn Tấn Dũng. Ngay cả việc đến thăm Kiên Giang, quê hương của ông Dũng, rồi bị đột quỵ bất ngờ hôm đầu tháng 4 năm 2019, ông Trọng vẫn coi như không có chuyện gì; và tất cả đàn em ông Trọng đều cố giấu thảm họa Kiên Giang. Mới đây vào đầu tháng 9 năm 2019, phe Nguyễn Phú Trọng cho công bố công khai số tiến tham ô của hai cựu bộ trưởng Bộ Truyền thông và Thông tin là 3.5 triệu Mỹ kim qua vụ Tổng công ty Mobilefone của nhà nước mua công ty truyền thông AVG của Phạm Nhật Vũ, nhưng không cho báo chí đụng đến gia đình bố già đứng sau hỗ trợ vụ tham ô này là cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng tuy biết sự “tương nhượng” như vậy là nguy hiểm một khi thế cuộc đảo ngược, nhưng do nhu cầu bảo vệ sự tồn tại của đảng trong lúc họ đang nắm quyền, cả hai ông này đành phải tạo bộ mặt “đoàn kết” bề nổi để tránh sự sụp đổ trên thượng tầng.

Kế đến, rút từ kinh nghiệm Đông Âu, nạn tham nhũng không chỉ làm suy yếu nội bộ đảng mà còn làm cho sự bất mãn của người dân gia tăng, đe dọa đến quyền lực của đảng, nên lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã đưa việc chống tham nhũng thành một chủ trương lớn. Những chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng, phanh phui tệ nạn hối lộ và truy tố một số cán bộ cao cấp qua một vài vụ án lớn trong thời gian qua của ông Nguyễn Phú Trọng là một cố gắng lớn. Nhưng kết quả của chiến dịch đốt lò này rốt cuộc chỉ là màn trình diễn mang tính tuyên truyền, vì qua cách truy tố những vụ án, và một số nhân sự bị kết án thực chất chỉ là để trấn áp phe nhóm khác, nhằm củng cố quyền lực của phe ông Trọng mà thôi.

Làm sao mà đảng Cộng sản có thể tiêu diệt được nạn tham ô, ngăn chận các tệ nạn chuyên quyền khi chính nó vừa là “ung nhọt” bản chất của độc tài, vừa là chỗ “cộng sinh” quan trọng cho các đảng viên, cán bộ các cấp của mỗi phe, hầu bám vào nuôi sống chính mình và gia đình khi đồng lương rẻ mạt và túi tham không đáy. Ngoài ra, trong bộ máy chuyên quyền độc đảng, quyền lực của những thủ trưởng đứng đầu mỗi cơ quan hay những đơn vị hành chánh hầu như không biên giới và vô hạn định. Nhóm người này, cấu kết và bao che cho nhau không phải chỉ trong nhiệm kỳ của họ mà cả những đàn em, con cháu, tạo thành một băng đảng không khác gì mafia. Vì thế mà ông Nguyễn Phú Trọng đã phải nói rằng “đánh tham nhũng là trận chiến không bao giờ chấm dứt v́ bản chất nó là trận chiến ta đánh vào ta.”

Sau cùng, lãnh đạo Hà Nội cũng học từ bài học đối phó các phong trào dân chủ tại Đông Âu nên đã nhiều lần khẳng định không bao giờ chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Không những thế họ một mặt dùng lực lượng công an và an ninh trấn áp ngay những mầm phản kháng từ trong trứng nước, mặt khác ngăn chận mọi hình thức xuất hiện công khai của các nhóm hay hội không nằm trong khuôn khổ của chế độ. Nói cách khác, lãnh đạo Cộng sản Việt Nam sẵn sàng triệt hạ mọi lực lượng, không cho xuất hiện công khai và nhất là cô lập, ngăn chận mọi sự tiếp cận giữa người dân với các nhóm hay hội, dù những tiếp cận này hoàn toàn là mang tính giúp đỡ về xã hội hay từ thiện.

Trong đợt trấn áp mạnh mẽ từ năm 2016 đến nay, an ninh Cộng sản Việt Nam đã bắt giữ, truy tố hay trục xuất ra khỏi nước lên gần 300 nhà hoạt động xã hội, đấu tranh, sau vụ biểu tình chống ô nhiễm môi trường do công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra vào đầu tháng 4, 2016, và chống Dự luật Đặc khu năm 2018. Điều này cho thấy là khi các biến động xã hội dẫn đến sự kết nối giữa các nhà hoạt động với quần chúng gia tăng, nhà cần quyền CSVN đã phải huy động một lực lượng công an đông đảo để trấn áp và ngăn chận bằng mọi giá. Nói chung, lãnh đạo Cộng sản Việt Nam rất lo sợ mọi sự tụ họp của người dân, dù dưới bất cứ hình thức gì; họ e ngại các mầm phản kháng đầy ắp trong xã hội sẽ nhân dịp lan tỏa khắp nơi như vết dầu loang.

Tóm lại, những biện pháp đối phó của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam nói trên không nhằm làm cho cho đất nước phát triển, tiến bộ mà chỉ là để mua thời gian kéo dài sự cai trị độc tôn của đảng Cộng sản. Tức là họ tiếp tục kéo dài thế đối đầu giữa một thiểu số tham quyền cố vị với một đại khối quần chúng ngày một gia tăng bất mãn. Do đó, diễn biến như Đông Âu để tạo thay đổi tại Việt Nam tuy chưa xảy ra, nhưng các diễn biến chính trị và xã hội mang tính phản kháng đang bùng nổ khắp nước, kể cả từ bên trong hàng ngũ đảng viên Cộng sản, với cường độ ngày càng quyết liệt. Đó là nhờ sự phát triển của mạng Internet đã giúp phá vỡ sự bưng bít thông tin và kết nối những tấm lòng, sự hỗ trợ của quốc tế và ý thức về quyền tranh đấu của người dân.

oOo

Tuy nắm trong tay một lực lượng công an mật vụ rất lớn và sẵn sàng dùng xã hội đen để đàn áp, răn đe những người yêu nước, đảng Cộng sản Việt Nam không thể tồn tại mãi trong một xã hội nảy sinh quá nhiều khuyết tật. Các dấu hiệu dẫn đến những khó khăn nói trên đã biểu lộ bản chất bấp bênh của một xã hội phồn vinh giả tạo, trong đó những kẻ giàu có nhờ móc ngoặc hoặc chính thành phần cán bộ cốt cán đang tìm cách đưa con cái và gia đình sang định cư ở nước ngoài.

Hơn thế nữa, dù ông Trọng không đột quỵ và tiếp tục đốt lò chống tham nhũng đi nữa thì guồng máy thống trị độc tài đầy những hệ lụy và xáo trộn cũng có ngày đột quỵ, họa chăng chỉ với qui trình chậm hơn một chút mà thôi.

Cố Tiến sĩ Gene Sharp (1928-2018), một người từng nghiên cứu về đấu tranh bất bạo động, đã chỉ ra rằng mọi cuộc đấu tranh chống lại chế độ độc tài cộng sản thường trải qua bốn thời kỳ.

THỜI KỲ I: tăng cường sức mạnh của người dân bị áp bức bằng lòng tự tin, vượt sợ hãi và đứng lên phản kháng.

THỜI KỲ II: từ phản ứng cá nhân liên kết thành nhóm, thành các đoàn thể xã hội, các định chế quần chúng.

THỜI KỲ III: làn sóng bất mãn của người dân tạo thành những lực phản đối bùng nổ ở khắp nơi. Và,

THỜI KỲ IV: sự xuất hiện một lực đầu tàu với một chiến lược tổng thể để tạo áp lực mạnh mẽ lên chế độ độc tài.

Tình hình Việt Nam hiện đang ở vào THỜI KỲ III, với nhiều sự phản đối tự phát của người dân đã diễn ra ở nhiều nơi. Giăng biểu ngữ ngay tại chung cư nơi mình ở để phản đối việc làm sai trái của ban quản lý và chủ đầu tư. Tọa kháng trước trụ sở hành chánh để phản đối hay yêu cầu giải quyết nguyện vọng của mình. Tập trung một số người có cùng nguyện vọng tổ chức biểu tình tuần hành để kêu gọi công chúng ủng hộ.

Nói chung, sự phản kháng của người dân ở thời điểm này rất đa dạng, vừa công khai, vừa kín đáo, vừa uyển chuyển, thông minh; đa số tập trung vào nhu cầu xã hội, như thực phẩm bẩn, ung thư, mùi xú uế của rác rưởi, biến đổi khí hậu, tai nạn giao thông, cùng với những bất mãn về cách hành xử của cán bộ độc tài, ức hiếp, tham ô.

Đối chiếu với tình Đông Âu cách nay 30 năm, thì Thời kỳ III của Việt Nam hiện nay chính là bối cảnh bùng phát những bất mãn cùng với làn sóng chống đối xảy ra tại Ba Lan khoảng năm 1985, và tại Tiệp Khắc và Đông Đức vào năm 1986.

Kinh nghiệm đưa đến sự sụp đổ của các chế độ độc tài tại Đông Âu đều cần có ba yếu tố: đấu đá nội bộ bất phân thắng bại, kinh tế khủng hoảng trầm trọng, và bất mãn xã hội cùng với những cuộc phản kháng của người dân lan rộng ở nhiều nơi khiến cho các chế độ độc tài lúng túng đối phó. Việt Nam đang tồn tại cả ba yếu tố nói trên, và sự bùng phát tạo thành sức ép lên chế độ CSVN hiện nay chỉ còn là vấn đề thời gian.

Thời gian đó không nằm ở phía nhà cầm quyền CSVN mà chính là ở phía những người Việt yêu chuộng tự do dân chủ. Trong tinh thần đó, chúng tôi ấn hành tập sách này, nhằm giúp quý độc giả kiểm nghiệm lại những diễn tiến xảy ra ở 8 quốc gia cựu Cộng sản tại Đông Âu và đối chiếu với tình hình Việt Nam hiện nay.

oOo

Tập sách “Đông Âu - Việt Nam: 30 Năm Nhìn Lại” gồm có 5 chương. Chương đầu dành để phân tích về hiện tượng domino của biến cố Đông Âu, trong đó trình bày chi tiết về những diễn tiến xảy ra tại Ba Lan, Đông Đức và Tiệp Khắc. Chính những chuyển biến ở ba quốc gia này đã tạo ra hiện tượng domino bắt đầu từ Ba Lan sau cuộc Tổng tuyển cử tự do vào tháng 6,1989, chuyển sang Hungary, Albania, Bulgaria, và khi bức tường Berlin ở Đông Đức sụp đổ vào tháng 11,1989 đã tác động lên Tiệp Khắc, Nam Tư và cuối cùng kết thúc ở Romania, khi hai vợ chồng nhà độc tài Ceaucescu bị bắt và bị hành quyết trong đêm Giáng Sinh năm 1989.

Hai chương kế trình bày về hoàn cảnh tám quốc gia Đông Âu bị nhuộm đỏ và họ đã đấu tranh ra sao để thoát khỏi gọng kềm của Liên Xô. Đặc biệt ở chương thứ ba, phân tích chi tiết về lý do vì sao Liên Xô đã không xử dụng lực lượng Hồng Quân đang đóng tại Đông Âu để dập tắt ngay từ đầu sự lớn mạnh của Công Đoàn Đoàn Kết vào năm 1980 và 1981, dẫn đến hiện tượng domino năm 1989.

Chương thứ tư trình bày khá chi tiết về những diễn biến xảy ra ở Việt Nam khi làn sóng Đông Âu bùng phát vào năm 1989. Trong chương này, ngoài những đề cập về các phản ứng hốt hoảng của lãnh đạo Cộng sản Việt Nam lúc đó, chúng tôi đã ghi lại các phản ứng chống đối của giới trí thức trong đảng; những kiến nghị của tập thể người Việt trong các Hội Việt kiều yêu nước tại Canada, Úc Châu, Âu Châu để yêu cầu lãnh đạo Hà Nội thay đổi và họ đã bị trù dập ra sao trong nhiều năm sau đó. Chương thứ năm sau cùng là những phân tích đối chiếu về sự phát triển sau 30 năm thoát Cộng của 8 quốc gia ở Đông Âu với tình hình Việt Nam ngày nay.

Chúng tôi cố gắng khách quan và thận trọng trong việc nghiên cứu những vấn đề mang tính cách vừa lịch sử vừa thời sự trong 30 năm qua, nhưng chắc chắn không tránh khỏi một đôi phần chủ quan trong khi phân tích. Kính mong quý độc giả và những bậc thức giả soi sáng và hướng dẫn để chúng tôi được học hỏi và cập nhật vấn đề trong những lần tái bản tới.