Saturday, November 9, 2019

Đông Âu trong gọng kềm Liên Xô

Tình hình Đông Âu vào năm 1989 là kết quả của một chuỗi biến cố xảy ra từ những sự kiện trước đó đưa đến Thế chiến Thứ nhất, rồi sự xuất hiện của chế độ Xô Viết tại nước Nga, sự hình thành và bành trướng của Đức Quốc Xã, kế đó là Thế chiến Thứ hai, và vai trò của Stalin trong việc phát triển vòng đai đỏ chung quanh đế quốc Xô Viết, đưa đến cuộc Chiến tranh Lạnh giữa hai cực Cộng sản-Tự do kéo dài nhiều thập niên.

Ngược dòng lịch sử lên đến khoảng đầu thế kỷ 20, các đế quốc Đức-Áo-Hung tại giữa Âu Châu đã phát triển thế lực trong lục địa, đe dọa các nước lân bang. Phản ứng của Âu Châu là thế liên hợp tay ba Pháp-Nga-Anh làm hàng rào ngăn chận. Sự bùng vỡ của những tranh chấp cục bộ tại Trung Âu (khi đó ý niệm Đông Âu chưa ra đời) sau chiến tranh Balkans (1912-1913) và giữa các sắc dân vùng Trung Âu (sau này kết hợp thành các nước như Ba Lan, Tiệp Khắc, Nam Tư, và Rumania) đã châm ngòi cho Thế chiến Thứ nhất. Liên Minh Tay Ba (Triple Alliance) là Đức-Áo-Hung ở giữa lục địa Âu Châu bung ra tấn công Liên Hiệp Tay Ba (Triple Entente) là Pháp-Nga-Anh tại vùng ngoại biên.

Tháng 3 năm 1917, Nga Hoàng Nicolas II không còn điều khiển được tình hình trong nước đành phải thoái vị và một chính phủ lâm thời được lập ra, nhưng cũng không lật ngược được tình thế vì dân và lính Nga không còn muốn tham chiến nữa. Lợi dụng tình hình này, phe Bolchevik của Lênin tung khẩu hiệu "hòa bình và cơm áo" làm cuộc đảo chánh mà sau này những người Cộng sản gọi là Cách mạng tháng Mười, cướp chính quyền và rút khỏi cuộc chiến. Nga trở thành Liên Bang Xô Viết từ đó. Trong khi chính phủ lâm thời của Nga được thành lập thì Hoa Kỳ cũng bắt đầu bị lôi vào cuộc chiến, và kịp thời tham dự bên cạnh Anh và Pháp vào tháng 4 năm 1917 trước khi Nga rút ra khỏi Liên Hiệp Tay Ba.


Việc Hoa Kỳ tham chiến làm tình hình thay đổi khá bất ngờ cho phe Liên Minh Đức-Áo-Hung, và chiến tranh kết thúc với sự bại trận của Liên Minh Tay Ba này. Sau Thế Chiến Thứ Nhất, các nước dân chủ lập kế hoạch phân hóa các đế quốc Đức-Áo-Hung và ngăn ngừa sự tái phát của chủ nghĩa bành trướng Đức bằng nhiều thỏa ước, đặt nền móng địa dư chính trị cho một loạt các nước Trung Âu như Romania, Tiệp Khắc, Nam Tư, Ba Lan, Hung Gia Lợi, Áo và cả các nước vùng Baltic như Lithuania, Estonia và Latvia. Bản đồ Trung Âu bắt đầu giống bản đồ Đông Âu cho đến năm 1990 kể từ thời đó. Nhưng, tình trạng liệt cường xâu xé các nước bại trận cũng gieo mầm mống bất mãn và phẫn hận tại Trung Âu, kết trái thành những biến động đưa tới Chiến tranh Thế giới lần thứ hai vào năm 1939.

Tuy Hoa Kỳ lớn mạnh từ Thế chiến Thứ nhất nhưng lại không muốn can dự vào chuyện thế giới khi Thượng viện Hoa Kỳ chống đối không cho Tổng thống Wilson đưa Mỹ vào Hội Quốc Liên, do chính Wilson đề xướng làm cơ chế cân bằng tương quan thế giới. Trong lúc Hoa Kỳ là nước thắng trận nhưng lại tự cô lập, thì Liên Xô lại xuất hiện như một đế quốc mới, dồn nỗ lực bành trướng, kết hợp với nước Đức từ đầu thập niên 1920.

Sau Thế chiến Thứ nhất, nước Đức bị thua, bị Âu Châu phong tỏa và kiềm chế bằng Thỏa Ước Versailles. Mối nguy của Âu Châu thời đó chưa là Liên Xô, mà là nước Đức. Trong thập niên 1920, Âu Châu cũng thành công vượt bực về kinh tế và tinh thần cầu hòa đã trở thành trào lưu thịnh hành trong quần chúng. "Kẻ thù" là nước Đức đã bị đánh quỵ và thất bại về mọi mặt, nên trở thành ngoan ngoãn hơn. Thời đó, chính những khuynh hướng bảo thủ của Âu Châu đã tung ra đường lối "hòa dịu," những tuyên bố của Thủ tướng Anh Chamberlain hay của Tổng thống Hoa Kỳ Herbert Hoover trong những hội nghị thượng đỉnh sôi nổi đã lấn át quan điểm dè dặt nghi ngờ của Ngoại trưởng Pháp Aristide Briand. Nước Pháp không quên hai trận chiến 1870 và 1914 đều xuất phát từ Đức, và báo động về vấn đề an ninh, nhưng báo động trong cô đơn vì vào thời đó khuynh hướng chủ hòa rất mạnh. Kết quả là chẳng ai nói đến vấn đề võ trang phòng thủ nữa.

Nhưng Đức đã lặng lẽ chuẩn bị việc tái võ trang, bằng cách bí mật hợp tác với Liên Xô. Đức giúp Liên Xô những kiến thức khoa học hiện đại, và được Liên Xô giúp lại bằng cách cho mượn đất để luyện quân, chế tạo võ khí, tàng trữ khí giới, vượt rào cấm đoán của Thỏa ước Versailles. Ngay từ năm 1922, Đức và Liên Xô đã hòa giải cùng nhau qua Hiệp ước Rapallo, trong đó, ngoài những điều khoản xóa bỏ các khoản nợ cũ, còn có những mật ước hợp tác quân sự.

Vào đầu thập niên 1920, Liên Xô vừa hoàn tất vụ cướp chính quyền và bị kiệt quệ về kinh tế nên đưa ra kế hoạch "Tân Chính sách Kinh tế," tỏ dấu ḥa dịu và vận động Tây phương cứu nạn đói, viện trợ thực phẩm. Nhưng, quan trọng hơn chính là nguồn viện trợ kỹ thuật của Đức để giúp cải thiện nền khoa học kỹ thuật chậm tiến của Liên Xô. Nước Đức cũng cần một "hậu phương" nằm ngoài tầm quan sát của Tây Âu để xây dựng lại bộ máy chiến tranh. Trong vụ hợp tác này, Liên Xô thủ lợi hơn nước Đức vì được tới 2000 kỹ sư lẫn quản trị gia Đức qua giúp cho việc thiết lập các nhà máy, hướng dẫn cách quản lý và sản xuất kỹ nghệ, chế tạo võ khí, làm tiềm thủy đĩnh, và cả máy bay.

Khai thác tinh thần chủ hòa cầu an của các nước Âu Châu, Hitler lên cầm quyền ở Đức, hợp tác với Stalin ở Nga, để phân chia ảnh hưởng tại Trung Âu, xoay ra tấn công Âu Châu và đưa tới Thế chiến Thứ hai. Giai đoạn đầu, Liên Xô và Đức Quốc Xã ký thỏa ước bất tương xâm, để khi Đức tiến về phương Tây tấn công Anh-Pháp-Bỉ, thì Liên Xô cũng tiến về phía Bắc năm 1940, biến ba nước vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania, thành những Cộng hòa Xô Viết. Vào cuối cuộc chiến, từ năm 1944 đến 1948, Liên Xô cũng tiến về phía Tây theo đà tan rã của Đức Quốc Xã để thiết lập chế độ Cộng sản lên các nước Ba Lan, Đông Đức, Romania và Bulgaria. Các nước này không theo chủ nghĩa Cộng sản, nhưng thực sự bị kéo vào cuộc "cách mạng vô sản" do sự chiếm đóng của Hồng quân Liên Xô.

Khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, Đức Quốc Xã tan rã, hai siêu cường Hoa Kỳ và Liên Xô gặp nhau trên vùng đất Âu Châu. Lằn ranh hai bên được vẽ ra, Đông và Tây Âu thành hình từ đó, với nước Đức bị chia hai, bảy nước Đông Âu khác bị nhuộm đỏ, đó là Ba Lan, Hung Gia Lợi, Nam Tư, Tiệp Khắc, Romania, Bulgaria và Albania.

Trong tám nước Đông Âu bị nhuộm đỏ bởi Hồng quân Liên Xô sau Đệ nhị Thế chiến, có bốn nước rơi vào trường hợp ngoại lệ, đó là Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Nam Tư và Albania. Trước khi Hồng quân chiếm đóng và cuộc nổi dậy vào năm 1956 bị đè bẹp, Hung Gia Lợi đã có một giai đoạn cộng sản rất ngắn vào năm 1919, do đồng chí của Lênin là Béla Kun áp dụng.

Sau chiến tranh, Tiệp Khắc có đảng Cộng sản liên hiệp cùng bốn đảng khác, và cũng bị Hồng quân chiếm đóng, nhưng Tiệp Khắc không bị nhuộm đỏ bởi Hồng quân Liên Xô mà bởi những kỹ thuật chính trị và quân sự do đảng Cộng sản Tiệp Khắc tiến hành sau khi Liên Xô rút quân về. Nói cách khác, dân Tiệp Khắc bị cộng sản hóa bởi người Tiệp, không bởi một vụ chiếm đóng của Liên Xô. Sau đó, Tiệp Khắc rập khuôn theo mẫu mực Xô Viết và rơi vào tình trạng không khác gì các nước Đông Âu kia, kể cả việc bị Hồng quân tiến qua đàn áp một vụ cải cách chính trị trong khuôn khổ cộng sản năm 1968.

Nam Tư, tức Yugoslavia, là nước Đông Âu có tham dự vào cuộc chiến chống Đức Quốc Xã và trong kháng chiến chống Hitler cũng có liên minh các phe quốc cộng. Sau Thế Chiến, phe cộng tiêu diệt phe quốc gia, nắm chính quyền, biến Nam Tư thành nước cộng sản từ cuối năm 1945. Nhưng, khác với Tiệp Khắc, lãnh tụ Josip Broz Tito của Nam Tư chủ trương một mô hình xã hội chủ nghĩa riêng biệt, không giống kiểu Xô Viết.

Albania là nước nằm ở vùng đông nam Âu Châu, bị nước Ý Đại Lợi chiếm đóng trong Thế chiến Thứ hai từ năm 1939 đến năm 1944. Năm 1944, cộng sản địa phương nắm chính quyền, theo Stalin và trung thành với đường lối Stalinist đến mức đoạn giao với Liên Xô vào năm 1960 khi Nikita Khrushchev hạ bệ Stalin; sau đó Albania kết thân với Trung Cộng. Albania vẫn là nước cộng sản cực đoan và khép kín nhất Âu Châu, nhưng vì quá nhỏ, dân số chỉ có 3 triệu người, nên không gây biến động nhiều.

oOo

Từ năm 1917 đến năm 1936, trong vòng 20 năm đầu của cuộc cuộc cách mạng vô sản, Lênin chủ trương tiến hành cách mạng cải tạo xã hội, để tiến tới việc hình thành một cộng đồng thế giới theo chủ nghĩa xã hội. Kể từ năm 1936, Stalin (kế thừa Lênin từ năm 1924), minh định chủ trương của mình trong bản hiến pháp mới, rằng Liên Xô là một nước xã hội chủ nghĩa, tức Liên Xô là nơi cách mạng đã thành công, và là nơi đầu tiên bước qua chủ nghĩa xã hội.

Từ Thế chiến Thứ hai, Hồng quân tiến vào Đông Âu, nhưng Liên Xô chưa trực tiếp chi phối chế độ kinh tế và chính trị của Đông Âu mà dùng phương pháp "thảo luận" để từng bước thiết lập ảnh hưởng, kéo dài cho đến năm 1948. Nhưng từ giữa năm 1947, để đối phó với kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ có mục tiêu giúp đỡ các nước Tây Âu tái thiết sau Thế Chiến, Stalin bắt đầu giới hạn chặt chẽ sự tiếp cận của Liên Xô cùng các nước Cộng sản tại Đông Âu đối với thế giới bên ngoài. Vì muốn giữ ảnh hưởng độc nhất lên các nước Đông Âu, Liên Xô ép buộc các nước này không được nhận viện trợ của Hoa Kỳ, thay vào đó, Stalin gom các nước cộng sản lại để thành lập tổ chức Comecon (Hội Nghị Tương Trợ Phát Triển Kinh Tế) vào đầu năm 1949, và bắt đầu chi phối về kinh tế, chính trị lên các nước trong khối.

Stalin khẳng định rằng xã hội chủ nghĩa tại Liên Xô là mẫu mực cho các nước xã hội chủ nghĩa, và chỉ thị các nước phải áp dụng khuôn mẫu của Liên Xô trong việc tổ chức đảng và nhà nước. Đảng cộng sản là đảng duy nhất độc chiếm quyền lực, lãnh đạo nhà nước và xã hội, cưỡng chế tập thể hóa nông nghiệp và quốc hữu hóa công nghiệp. Ngoài ra, nền kinh tế áp dụng mô hình kế hoạch tập trung và ưu tiên cải tạo xã hội để xây dựng nền kinh tế công nghiệp theo hướng công nghiệp nặng. Về chính trị, Liên Xô chủ trương xóa bỏ tất cả những xu hướng chính trị ngoài chủ nghĩa Mác-Lê, và triệt để cải tạo cũng như tẩy não những ai đã bị ảnh hưởng bởi tư tưởng "phản động" ngoài khuôn khổ của tư tưởng Mác-Lê.

Đang là một nước bình thường, Liên Xô tiến lên thành đàn anh, thành bá chủ. Liên Xô huấn luyện người bản xứ ở các nước chư hầu trở về thi hành chính sách cộng sản kiểu Xô Viết tại Đông Âu. Các lãnh tụ cộng sản ở Đông Âu đều từ trong lò huấn luyện này mà ra. Có thể nói là từ thập niên 30, khi Stalin nắm quyền cai trị Liên Xô, mô hình chủ nghĩa xã hội của Stalin đã bao trùm lên mọi sinh hoạt của người dân các nước cộng sản. Đối nghịch với thể chế này, trong tám nước Đông Âu chỉ có Nam Tư dưới sự lãnh đạo của Tito là muốn đi đường lối riêng và theo đuổi chính sách phi đồng minh (nhưng trong thực chất đối nội cũng áp dụng kỹ thuật cai trị kiểu Stalin).

Sự chống đối mô hình chủ nghĩa xã hội Stalin bắt đầu bộc phát mạnh từ năm 1956 ở Hung Gia Lợi và Ba Lan. Cuộc nổi dậy chống Liên Xô, đòi cải cách chính trị và kinh tế của nhân dân Ba Lan kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10, nhưng bị dập tắt bởi Hồng quân Liên Xô tiến vào theo lời cầu cứu của nhóm lãnh đạo cộng sản Ba Lan thời đó. Sau đó, tháng 10 và 11 trong cùng năm 1956, cuộc nổi dậy ở Hung Gia Lợi chống lại chính sách độc tài của đảng cộng sản, cũng đã bị Hồng quân Liên Xô dập tắt tương tự.

Tuy hai cuộc nổi dậy ở Ba Lan và Hung Gia Lợi bị Liên Xô trấn áp, nhưng mối căm thù Liên Xô và khát vọng tự do dân chủ vẫn tiềm ẩn trong lòng người dân, nhất là trong thành phần trí thức, luôn chờ cơ hội bùng nổ. Sau hai biến cố Ba Lan và Hung Gia Lợi, một số nước Đông Âu điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế, cho xí nghiệp tự quản trong khuôn khổ của nền kinh tế hoạch định và áp dụng nguyên tắc lợi nhuận.

Trong đó, Tiệp Khắc là quốc gia đi đầu, đưa ra chủ trương "xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa nhân bản" và "hệ thống thị trường có qui hoạch", nhưng những nỗ lực này chưa thực hiện được thì đã bị 500.000 quân của năm nước trong khối Warsaw, đứng đầu bởi Liên Xô, dập tắt vào mùa Thu năm 1968. Từ đó bức màn sắt đóng kín trở lại, chiến tranh lạnh chia hai khối Đông và Tây thành hai thế giới biệt lập, kéo dài đến cuối thập niên 1980.

Vào năm 1974 và 1979 thế giới trải qua các vụ khủng hoảng dầu hỏa. Ngày 29 tháng 12, 1979 Liên Xô đưa quân xâm chiếm A Phú Hãn. Trong khi đó, các nước Đông Âu vẫn bị trói buộc trong vòng kiềm tỏa của Liên Xô. Tuy nhiên, vụ khủng hoảng dầu hỏa xảy ra vào thập niên 1970 đã ảnh hưởng trầm trọng đến tiềm lực kinh tế của các nước Đông Âu. Mô hình cai trị của Liên Xô, có người gán cho nhãn “mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực,” đã không theo kịp sự tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới, và kinh tế luôn luôn ở trong tình trạng trì trệ, khiến các nước cộng sản Đông Âu bị đặt trong tình thế là không cải tổ thì không thể sống còn.

Nhưng mọi nỗ lực cải tổ kinh tế vào thời đó đã dẫn đến thất bại vì những trở lực bắt nguồn từ sự độc quyền của các đảng cộng sản. Lý do là những chế độ này đã áp đặt các ràng buộc giáo điều của chủ nghĩa Mác-Lê lên việc khai triển mô thức cải tổ kinh tế, bằng thái độ khư khư duy trì sự kiểm soát của đảng cộng sản trên mọi lãnh vực, đưa đến hậu quả là các hoạt động xã hội bị rối loạn.

Ngay cả những nước mà tầng lớp lãnh đạo sẵn lòng hy sinh một số quan điểm quan trọng trong ý thức hệ cộng sản để cải tổ kinh tế, như tại Hung Gia Lợi hay Ba Lan, việc cải tổ vẫn không thực hiện được vì quán tính cưỡng chế của tầng lớp cán bộ quan liêu đã ăn sâu vào hệ thống quyền lực mà chính họ phải duy trì vì nhu cầu “cộng sinh.” Hơn nữa, các chế độ này không được sự công nhận của người dân, vì vậy, luôn luôn phải đối đầu với sự nổi dậy của quần chúng trước những chấn động không thể tránh khỏi của những đòi hỏi cải tổ kinh tế trong đời sống hàng ngày.

Vào thập niên 1980, các nước Đông Âu đều quảng bá mục tiêu cải tổ kinh tế của họ là: “tách rời kinh tế khỏi chính trị.” Nghĩa là xây dựng lại hệ thống kinh tế vận hành theo các quy luật của thị trường, chứ không theo những áp đặt của hệ thống quy hoạch tập trung, mà thường là vô lý về kinh tế. Sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế, vì thế phải được thay đổi bằng cách điều hướng thay vì trấn áp, cần giới hạn tối đa và chấp nhận cho dân chúng tự do tham gia vào hoạt động cạnh tranh kinh tế, trong khung của một “nhà nước pháp quyền.”

Mô thức mà các nước áp dụng là “hệ thống thị trường có quy hoạch” hay còn gọi là “cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước,” và nhà nước vẫn làm chủ quản trên hầu hết đất đai cũng như tư liệu sản xuất. Mục tiêu của mô thức này là để gia tăng hiệu năng sản xuất, chứ không để loại bỏ hẳn lối quy hoạch tập quyền trung ương.

Theo mô hình này, nhà nước sẽ không còn phải lo hoạch định chỉ tiêu hàng năm cho các xí nghiệp, mà chú trọng đến những kế hoạch trung và dài hạn để phát triển nền kinh tế; trong khi đó, các xí nghiệp được giao cho một số quyền tự quản và phục hồi vai trò thị trường ở tầm mức vi mô (microeconomic).

Xí nghiệp được phép lập ra kế hoạch sản xuất và phát triển dựa trên những đòi hỏi của thị trường. Họ có quyền chọn người cung cấp nguyên vật liệu, định giá mua bán và khen thưởng công nhân bằng lương phụ trội. Tuy nhiên, nhà nước vẫn kiểm soát các xí nghiệp một cách gián tiếp để bảo đảm chiều hướng phát triển kinh tế của xí nghiệp cho phù hợp với các mục tiêu của đảng.

Mô thức này trong thực tế vẫn là loại kinh tế quy hoạch tập quyền với một chút sửa đổi. Ngay trong việc cho các xí nghiệp tự quản, các giám đốc vẫn phải dựa vào những liên hệ bán chính thức với các giới chức có thẩm quyền của đảng và nhà nước, vì những người này nắm quyền bổ nhiệm, thăng thưởng các giám đốc xí nghiệp.

Những giám đốc này, hẳn nhiên phải chiều theo những đòi hỏi bán chính thức của các cán bộ đảng và nhà nước, ngay cả trong trường hợp những đòi hỏi này đi ngược lại quyền lợi kinh tế của xí nghiệp.

Vì nhà nước vẫn là chủ các xí nghiệp và nguyên vật liệu sản xuất, cho nên để có sự trợ giúp tiền đầu tư từ ngân hàng nhà nước, hoặc để được tài trợ sản xuất những mặt hàng phải cạnh tranh với hàng hoá ngoại quốc, và để được miễn giảm những qui định giá cả và lương bổng, các giám đốc xí nghiệp vẫn phải duy trì mối thâm giao riêng lẻ với các giới chức của nhà nước và đảng ở cấp liên hệ. Một hệ thống kinh tế mà xưa nay được vận hành bằng những mặc cả về chỉ tiêu (đơn đặt hàng), nay được thay thế bằng hệ thống mặc cả về luật lệ.

Các xí nghiệp thay vì được quyền tự quản, nay lại lệ thuộc cả hai tròng áp lực: tròng thứ nhất là hệ thống hành chánh theo chiều dọc, và tròng thứ hai là khách hàng cũng như các nơi cung cấp nguyên vật liệu theo chiều ngang. Hậu quả là nền kinh tế cải tổ đó chẳng theo quy hoạch mà cũng chẳng phải thị trường, nó là một quái thai được sản sinh trong hoàn cảnh của một nền kinh tế được hoạch định theo kiểu “đầu voi đuôi chuột.”

Một điểm nổi bật khác trong quá trình cải tổ kinh tế ở các nước Đông Âu vào thời đó là yếu tố chính trị vẫn chi phối nặng nề trên các quyết định kinh tế. Lý do là các đảng cộng sản sợ bị vuột mất quyền lực. Ngoài ra, quyền lợi hỗ tương giữa các giám đốc xí nghiệp và tầng lớp thư lại nhà nước dẫn đến những rào cản làm hạn chế tầm hoạt động của kinh tế thị trường, phá ngầm trách nhiệm điều hành và quyền tự trị của các xí nghiệp. Quyền lợi đan chéo chằng chịt trong giới cán bộ quan liêu được cột chặt với cơ chế quyền lực của đảng cộng sản, phát sinh ra nạn tham nhũng và sứ quân đầy dẫy ở mọi cơ chế từ trung ương đến địa phương.

Đây là vấn nạn cốt lõi của mô thức cải tổ theo "cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước", hay còn gọi là "thị trường xã hội chủ nghĩa". Chính những cải tổ nửa vời này đã làm nặng nề thêm những vấn đề đã có sẵn, và tăng thêm những yếu tố tản lực trong xã hội, khiến cho chính quyền các nước Đông Âu lúng túng, phải nhượng bộ, thoái lui, rồi tan rã theo một chuỗi những áp lực đấu tranh của quần chúng và trong nội bộ đảng.

oOo

Câu hỏi đặt ra là tại sao Liên Xô lại buông tay để cho Đông Âu tan rã nhanh như vậy, và tại sao lại xảy ra vào cuối thập niên 1980?

Thứ nhất, thành phần lãnh đạo Điện Kremlin vào lúc đó đều sấp xỉ 70 đến 80 tuổi với sức khỏe yếu kém và mang những bệnh tật hiểm nghèo, không còn đủ khả năng lãnh đạo khối Liên Xô và các nước chư hầu.

Lúc Công đoàn Đoàn kết xuất hiện ở Ba Lan và bắt đầu tạo những biến động lớn ở Đông Âu vào đầu thập niên 1980, trùm Liên Xô vào lúc đó là Leonid Brezhnev đã 76 tuổi. Tuy Brezhnev nắm quyền lực tuyệt đối nhưng từ năm 1974 đã mắc phải chứng xơ cứng động mạch não, nhiều lần đột quỵ, ngã nhào khi đi và líu lưỡi khi nói. Những lúc căng thẳng tột độ, Brezhnev bị ngất xỉu và mất trí nhớ.

Bệnh còn trầm trọng hơn khi ông ta phải uống thuốc ngủ và các loại thuốc an thần có dược chất từ thuốc phiện. Có lúc uống thuốc quá nhiều, Brezhnev bị hôn mê, rồi sau đó là những ngày dài uể oải, phờ phạc và phải nằm trên sô-pha trong phòng làm việc, bên cạnh có người thân tín trông nom. Người thân tín nhất vào lúc đó là Konstantin Chernenko, luôn luôn ở bên cạnh Brezhnev.

Do Brezhnev bị bệnh và sức khoẻ suy yếu, việc lãnh đạo Liên Xô lúc đó tập trung vào bộ ba: Yuri Andropov, trùm cơ quan mật vụ KGB; Andrei Gromyko, bộ trưởng Ngoại giao, và Thống chế Dmitri Usyinov, bộ trưởng Quốc phòng. Sau khi Brezhnev qua đời vào ngày 10 tháng 11, 1982 thì Yuri Andropov được chọn lên làm tổng bí thư trong một phiên họp đặc biệt vào ngày 12 tháng 11.

Trước đó, Andropov đã biết mình bị mắc bệnh thận rất nặng từ năm 1980 và có nói cho Brezhnev biết; nhưng cả Brezhnev và Chernenko đều yêu cầu Andropov phải giữ kín với lý do là nếu xảy ra cuộc tranh giành quyền lực trong lúc Brezhnev và Andropov đều bị bệnh tật như hiện giờ, sẽ tạo ra sự hỗn loạn vô chính phủ, dẫn đến suy sụp kinh tế và toàn hệ thống sẽ sụp đổ.

Vì thế mà khi lên làm Tổng bí thư, Yuri Andropov cố giữ bí mật về sức khoẻ của mình như Brezhnev đã từng làm trước đó. Tức coi sức khoẻ của lãnh đạo là bí mật nhà nước, chỉ vài người thân tín phục vụ bên trong Điện Kremlin và vài cận vệ đã cam kết im lặng mới được biết. Trong thời gian cầm quyền của mình, Andropov đã nỗ lực cải thiện nền kinh tế bằng cách tăng hiệu quả quản lý mà không thay đổi các quy luật kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Trái với chính sách tránh những xung đột nội bộ của Brezhnev, Andropov bắt đầu những chiến dịch chống tham nhũng, cho điều tra những sai phạm trong các vụ án tham ô lớn, dẫn tới những thay đổi nhân sự tạo rúng động trong nội bộ. Chỉ trong 15 tháng cầm quyền, Andropov đã cách chức 18 bộ trưởng, 37 bí thư thứ nhất của các tỉnh ủy; khu ủy và Ủy ban Trung ương các Đảng Cộng sản tại các nước Cộng hoà Xô viết; các hồ sơ tội phạm ở những cấp bậc cao nhất của nhà nước bắt đầu bị xem xét. Lần đầu tiên, những thực tế về sự trì trệ kinh tế và những cản trở trong sự phát triển khoa học được thông báo với công chúng và bị chỉ trích công khai trên mặt báo. Những điều mà Andropov làm tưởng là lấy lại niềm tin trong đảng, nhưng thực tế đã gây ra sự rạn nứt rất lớn trong nội bộ.

Từ tháng 9 năm 1983, bệnh tình của Andropov trở nên trầm trọng, không còn có thể làm việc trong Điện Kremlin mà phải nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương ở Kuntsevo. Lúc đó, Andropov đề cử  Mikhail Sergeyevich Gorbachev, 54 tuổi - trẻ nhất trong Bộ chính trị, giữ trách nhiệm chủ tịch những cuộc họp của Bộ chính trị và ban thư ký (của Uỷ ban Trung ương) khi Andropov vắng mặt vì sức khoẻ, đồng thời cũng muốn đề xuất Gorbachev làm người thay thế mình. Nhưng bộ tứ quyền lực nhất vào lúc này là Konstantin Chernenko (KGB), Thống chế Dmitriy Ustinov (Bộ trưởng Quốc phòng), Andrei Gromyko (Bộ trưởng Ngoại giao) và Nikolai Tikhonov (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) đều thấy Gorbachev còn quá trẻ, chưa thể lãnh đạo khối Liên Xô.

Vì thế mà sau khi Andropov qua đời vào ngày 9 tháng 2, 1984, thì bốn ngày sau, trong một cuộc họp đặc biệt của Bộ chính trị vào ngày 13 tháng 2, 1984, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô và thành viên Bộ chính trị Nikolai Tikhonov đề nghị bầu Chernenko làm tổng bí thư, và Bộ chính trị đã thống nhất chọn Chernenko, không ai đề cập đến ý muốn của Andropov đề cử Gorbachev. Nhưng ngay sau ngày được tấn phong chức tổng bí thư, sức khoẻ của Chernenko đã suy yếu một cách rõ rệt.

Tại lễ tang của Andropov, Chernenko đọc một bài điếu văn ngắn; nhưng không một ai hiểu ông nói gì vì ông nói nhanh, nuốt chữ, húng hắng và dừng lại nhiều lần để thở. Ông lên trên lễ đài ở lăng Lênin theo một chiếc thang máy mới được lắp đặt và đi xuống với sự trợ giúp của hai vệ sĩ.
Mùa Hè năm 1984, Chernenko phải vào bệnh viện vì chứng viêm phổi, nhưng vẫn làm việc bằng cách gửi thư và ý kiến tới Bộ chính trị. Mãi tới cuối mùa thu năm 1984 ông mới quay trở về Điện Kremlin, nhưng vì quá yếu không còn có thể đi lại được mà phải ngồi xe lăn. Tới cuối năm 1984, Chernenko không thể rời Bệnh viện Đặc biệt, một cơ sở được canh gác cẩn mật ở tây Moscow. Tại đây, Chernenko phải điều trị hai chứng bệnh: ung thư phổi và viêm gan mãn tính đã chuyển thành xơ gan.

Ngày 10 tháng 3, 1985, Chernenko trút hơi thở cuối cùng sau một cơn hôn mê. Ông trở thành lãnh đạo thứ ba của Liên Xô qua đời chỉ trong hai năm tại vị. Ngay trong đêm Chernenko từ trần, Bộ chính trị đã họp khẩn cấp vào lúc 9 giờ đêm để bầu người thay thế. Trên nguyên tắc những nhân vật nặng ký lúc đó như Bộ trưởng Ngoại giao Gromkyo, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tikhonov và Bí thư Thành ủy Viktor Grishin đều có nhiều xác xuất được bầu làm tổng bí thư; nhưng chưa đầy ba năm, ba nhân vật quyền lực Brezhnev, Andropov và Chernenko lần lượt vô năng trong thời gian dài vì bệnh tật trong lúc biến động ở Đông Âu xảy ra dồn dập, nên Bộ Chính trị không muốn chọn người lớn tuổi và đa số kỳ vọng vào Gorbachev.

Những ngày sau khi nhậm chức, Gorbachev đã gọi điện thoại đến từng lãnh tụ cộng sản tại Đông Âu. Trong hồi ký, Gorbachev kể rằng ông đã nói với từng lãnh tụ Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi và Đông Đức rằng ông muốn có “mối quan hệ bình đẳng với họ … độc lập và chủ quyền của họ sẽ được tôn trọng hơn. Họ phải có trách nhiệm nhiều hơn nữa với tình hình trong nước họ.” Sở dĩ Gorbachev phải nói như vậy, vì Liên Xô không còn khả năng chi viện cho các chư hầu, nhất là khi cuộc khủng hoảng giá dầu giữa thập niên 1980 đã đẩy Liên Xô vào cuộc khủng hoảng kinh tế mà chính họ cũng không thể thoát ra được.

Thứ hai, chính thất bại và sa lầy tại A Phú Hãn trong thập niên 1980 đã khiến cho các nhà lãnh đạo Điện Kremlin rụt rè, không muốn xua quân vào những mặt trận khác, vì thế phải buông Đông Âu.

Gorbachev từng coi việc đem 200.000 quân Liên Xô đóng tại A Phú Hãn là vết thương làm Liên Xô mất máu. Vì thế mà hai tháng sau khi lên nắm quyền, Gorbachev giao cho một trong những vị tướng tài ba nhất của Bộ Tư lệnh Liên Xô một trọng trách tuyệt mật và nhạy cảm. Người được giao nhiệm vụ này là Tướng Anatoli Zaitsev, 44 tuổi, được phái đến Kabul để tìm ra lời giải trung thực nhất cho bài toán: Liên Xô có thắng Chiến tranh A Phú Hãn hay không? Sau chuyến đi, Tướng Zaitsev trở về Moscow và đưa ra lời giải đáp ngắn gọn nhưng cốt lõi: Không thể thắng!

Tướng Zaitsev đề nghị rằng cách duy nhất để Liên Xô có thể chủ động kết thúc chiến tranh là cắt đứt hoàn toàn việc qua lại biên giới giữa ba nước Afghanistan, Pakistan và Iran, ngăn chặn các chuyến vận chuyển vũ khí đến tay quân kháng chiến Mujahideen, và cầm chân bằng được quân kháng chiến ở trong nước. Nhưng kế hoạch này sẽ không thể thực hiện nếu không gửi thêm hàng trăm ngàn binh lính vào cuộc chiến đã kéo dài năm năm rưỡi, và vào thời điểm đó, đã làm thiệt mạng khoảng 7.500 quân Liên Xô.

Báo cáo của Tướng Zaitsev giúp cho Gorbachev thêm luận cứ để phản bác lập trường diều hâu của một số tướng lãnh ở Điện Kremlin, những người vẫn còn tin vào sứ mệnh của Liên Xô ở A Phú Hãn. Trong thâm tâm, Gorbachev muốn chấm dứt chiến tranh và rút quân ra khỏi A Phú Hãn thật nhanh; nhưng cuối cùng, Gorbachev nhìn thấy là không thể vội vã được khi một số tướng lãnh và phe bảo thủ chống đối quá mạnh, bởi chưa tìm cách nào để rút quân mà đạt được một hình thức “hòa bình trong danh dự” hay nói thẳng ra là “triệt thoái trong danh dự.”

Để làm được việc này, Gorbachev phải tìm một ngoại trưởng mới, không nhúng tay vào quyết định xâm lăng A Phú Hãn vào năm 1979 để mở các cuộc vận động và thuyết phục những thế lực đang có ảnh hưởng lên cục diện A Phú Hãn. Gorbachev đã may mắn gặp và đề cử Eduard Shevardnadze làm ngoại trưởng thay thế cựu Ngoại trưởng Gromyo.

Shevardnadze xuất thân từ Cộng hòa Georgia và được đưa lên làm việc ở Moscow từ năm 1976 và quen biết với Gorbachev kể từ đó. Shevardnadze có quan điểm giống với Gorbachev về tình hình Liên Xô vào lúc đó. Cả hai đều thấy những lỗi hệ thống, một hệ thống mà Shevardnadze từng nói: “làm con người thoái hóa thành đinh vít, có thể bị nghiền nát, trong khi guồng máy nghiền nát kia không hề bị trừng phạt.”

Trong việc giải quyết bài toán A Phú Hãn, cả Shevardnadze và Gorbachev đều thấy là phải có sự cộng tác của Hoa Kỳ thì mới thành công. Trong trách vụ ngoại trưởng, Shevardnadze đã mở rộng quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, qua Ngoại trường Mỹ, George Shultz, nhờ đó mà quan hệ giữa Hoa Kỳ và Liên Xô đã được cải thiện.

Tại Á Phú Hãn, Mohammad Najibullah được chọn làm tổng thống và một hiến pháp mới được công bố vào tháng 11 năm 1986. Đầu năm 1987, Najibullah đưa ra chính sách “hòa giải quốc gia.” Tuy được Liên Xô tán đồng, nhưng chính sách này không đủ thuyết phục để các phe phái kháng chiến khác đàm phán với chính quyền Najibullah.

Trong khi đó, với nỗ lực vận động của Ngoại trưởng Shevarduadze cùng với sự hợp tác của phía Hoa Kỳ, đại diện bốn bên gồm chính phủ Pakistan, A Phú Hãn, Hoa Kỳ và Liên Xô đã đồng ý tham gia Hội nghị ở Genève vào tháng 11 năm 1985. Bốn bên đã ký kết một thỏa thuận dàn xếp các vấn đề chủ chốt giữa hai nước, được gọi là Hiệp Uớc Genève.

Trong số những quy định, Hiệp ước Genève xác định Hoa Kỳ và Liên Xô không được can thiệp vào công việc nội bộ của Pakistan và A Phú Hãn, và đến tháng 4, 1988, Liên Xô đưa ra một lịch trình cho việc rút quân. Từ ngày 15 tháng 5, 1988, họ sẽ bắt đầu rút từng đợt trong tổng số 109.000 quân đóng tại A Phú Hãn và đến ngày 15 tháng 2, 1989, toàn bộ Hồng quân hoàn tất việc rút quân.

Trong 10 năm chiếm đóng tại Á Phú Hãn, Liên Xô đã trả giá quá đắt. Khó khăn lớn nhất cho quân đội Liên Xô là bị buộc phải chiến đấu tại những vùng đồi núi mà không hề chuẩn bị trước. Thống chế Sergei Akhromeyev, người đứng đầu lực lượng vũ trang Liên Xô, đã cho rằng cái khó của cuộc chiến này là không có mảnh đất nào tại A Phú Hãn mà quân Liên Xô không chiếm được, nhưng hầu hết lãnh thổ vẫn cứ nằm trong tay quân du kích.

Nói cách khác, Hồng quân kiểm soát được thủ đô Kabul và các thành phố, nhưng lại không kiểm soát được quyền lực chính trị tại những nơi Liên Xô chiếm đóng bởi không thu phục được lòng tin của người dân A Phú Hãn. Chỉ có một số ít dân chúng ủng hộ chính quyền còn đa số thì trốn vào núi cho đến khi quân Liên Xô rút là quay trở lại.

Trong khi đó, quân du kích Hồi giáo Mujahideen nhận được rất nhiều sự trợ giúp vũ khí và tiền bạc từ Hoa Kỳ, với mục tiêu chính là cầm chân quân Liên Xô càng lâu càng tốt trong cuộc chiến tốn kém này. Cuối cùng là quân Liên Xô không tìm được lối ra nào và bị tiêu hao lực lượng bởi những đòn tấn công mang tính phá hoại soi mòn của quân du kích.

Nhưng thiệt hại to lớn và đáng kể nhất chính là Liên Xô bị bế tắc không tìm được lối thoát. Họ bị mắc kẹt trong chủ nghĩa dân tộc Nga và sập bẫy ý thức hệ của chính mình. Họ không dám để thua vě cho rằng lịch sử đang đứng về phía họ vŕ chủ nghĩa cộng sản lŕ bách chiến bách thắng.

Họ nghĩ rằng, nếu Liên Xô thừa nhận thất bại thì điều này sẽ khuyến khích kẻ thù nổi dậy khắp nơi. Cũng vì vậy, họ như buông xuôi, để mình bị cuốn sâu vào một cuộc chiến không thể thắng, tại một vùng núi non hiểm trở, bị kẻ địch bao vây, kẻ địch mà họ chưa thực sự hiểu rõ.

Sau khi Liên Xô rút quân, cuộc nội chiến giữa quân đội A Phú Hãn và nhóm Mujahideen vẫn tiếp diễn cho đến năm 1992 thì chính quyền cộng sản thân Liên Xô sụp đổ. Những người Mujahideen lên nắm chính quyền, tuy vậy người đứng đầu chính phủ cộng sản trước kia là Najibullah vẫn được cho phép ở lại thủ đô Kabul.

Từ năm 1992-1996, là giai đoạn đánh nhau ác liệt giữa các nhóm Mujahideen với Taliban, kết quả là Taliban chiếm được Kabul và phần lớn đất nước.

Đến năm 1996 Taliban chiếm được thủ đô Kabul và bắt đầu thanh trừng những lực lượng thân Liên Xô, trong đó cựu lãnh tụ thân Liên Xô là Najibullah đã bị hành quyết dã man. Trong khi đó, Taliban đã để cho Osama Bin Laden và nhóm Hồi Giáo quá khích sử dụng A Phú Hãn làm nơi huấn luyện để mở ra các cuộc tấn công vào Hoa Kỳ.

Năm 2001, liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo trên danh nghĩa tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, đã tiến quân vào A Phú Hãn và thành công trong việc lật đổ chính quyền Taliban, tuy vậy xung đột ở A Phú Hãn cho đến ngày nay vẫn chưa kết thúc.

Tóm lại, hai sự kiện: hàng ngũ lãnh đạo già nua và bệnh hoạn liên tục, sự sa lầy quân sự tại A Phú Hãn nói trên là điều đã khiến cho Liên Xô đánh mất quyết tâm duy trì đế quốc của mình và duy trì những chư hầu ở xa.  Nói cách khác, cuộc suy thoái tiệm tiến, đau đớn và chậm chạp ở thượng tầng lãnh đạo Liên Xô từ thời Leonid Brezhnev vào năm 1980 trở đi, đã giúp cho các quốc gia Đông Âu nhanh chóng thoát ra khỏi gọng kềm Liên Xô mà không hề tốn một giọt máu nào.