Saturday, November 9, 2019

Lời cảm tạ

Nhân dịp chuẩn bị soạn một bài nói chuyện đánh dấu 30 năm cuộc Tổng tuyển cử tự do đầu tiên tại Ba Lan, dẫn đến sự thắng lợi bất ngờ của Công Đoàn Đoàn Kết vào tháng 6, 1989, chúng tôi mới có dịp gom lại một số bài phân tích đã từng viết trong các năm qua về biến cố Đông Âu, và chợt nẩy ra ý muốn tóm lược các biến cố lịch sử này cùng so sánh những thành quả của các quốc gia đã thoát ách cộng sản 30 năm về trước với hiện tình Việt Nam ngày nay như một bài học giá trị cho dân tộc chúng ta về nhu cầu dân chủ hóa đất nước.

Nhưng để sắp xếp các bài viết này theo một chuỗi các sự kiện phức tạp, sống động và lý thú, nếu không có Tiến sĩ Trần Diệu Chân, một cộng tác viên đắc lực và thân thương nhất của tác giả giúp hoàn chỉnh về nội dung, sắp xếp các vấn đề trình bày theo thời gian, thì tác phẩm này đã không thể đến tay quý độc giả kịp thời vào dịp kỷ niệm 30 năm biến cố Đông Âu. Ngoài ra, nhà văn Trùng Dương Nguyễn Thị Thái, cựu Chủ nhiệm Nhật báo Sóng Thần ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, một người chị thân quý của gia đình, đã giúp hiệu đính và nhuận lại cú pháp, trước khi tập sách được đem in. Tác giả xin chân thành tri ân hai nữ lưu trân quý đã hết lòng giúp đỡ để tập sách được hoàn chỉnh trong một thời gian kỷ lục.

Điều quan trọng nữa là nếu không có người lo kỹ thuật, lay out bìa và nội dung thì quyển sách này cũng không thể nhanh chóng xuất bản đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm Bức Tường Berlin sụp đổ vào ngày 9 tháng 11, 2019. Tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn đến anh Cao Xuân Ánh, một người rất nghệ sĩ, vừa hát hay, vừa vẽ và design rất đẹp, nhưng trên hết là một người bạn chí tình, rất dễ thương và luôn quan tâm, thương quý mọi người.

Sau cùng, một động lực khác khiến tác giả cố gắng hoàn tất tập sách này là để dành tặng đặc biệt cho bốn người bạn, 4 người chiến hữu thân thương, đã từng gắn bó với nhau trong nhiều năm hoạt động. Đó là các anh Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Hoàng, Phan Văn Phến và anh Trần Quốc Dũng đã giúp cho chúng ta một phương tiện để thực hiện giấc mơ Canh Tân Việt Nam, đó là thành lập quỹ Vietnam Reform Foundation (VRF).

Tác giả mong ước rằng những tài chánh có được qua việc phổ biến tập sách này, sẽ dành hết cho quỹ VRF để góp phần chuẩn bị cho tiến trình canh tân Việt Nam hậu Cộng sản.

Trân trọng,

Lý Thái Hùng
30 tháng Chín, 2019

Bản đồ 8 quốc gia cộng sản tại Đông Âu trước 1989


Chi tiết về 8 quốc gia tại Đông Âu

BA LAN (POLAND): hiện có khoảng 39 triệu dân, đa phần (95%) theo đạo Công giáo. Sau Thế chiến Thứ hai, Ba Lan bị Liên Xô khống chế. Trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên tại Ba Lan vào tháng 6, 1989, Công đoàn Đoàn kết đã đánh bại những ứng viên của đảng cộng sản. Năm 1999 Ba Lan gia nhập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), và năm 2004 tham gia vào Liên minh Âu châu (EU). Nền kinh tế Ba Lan hiện đứng hàng thứ sáu trong Liên Âu.

TIỆP KHẮC (CZECHOSLOVAKIA): còn gọi tắt là Tiệp: từ năm 1939 tới 1945 quốc gia này trên thực tế không tồn tại, vì bị bắt buộc giải tán và sáp nhập một phần vào nước Đức Phát xít. Năm 1945 bị Liên Xô khống chế. Năm 1989 cuộc cách mạng Nhung bùng nổ, Tiệp khắc trở thành quốc gia dân chủ. Ngày 1 tháng 1, 1993 Tiệp Khắc chia thành hai quốc gia: Cộng hòa Slovakia hiện có 10 triệu dân và Cộng hòa Tiệp hiện có 16 triệu dân.

HUNGARY: nằm trong gọng kềm Liên Xô từ năm 1946. Cuộc chính biến 1956 và sự kiện Hungary mở cửa đường biên giới với Áo vào tháng 5, 1989, giúp cho người dân Đông Đức chạy trốn qua Tây Đức, khởi đầu sự sụp đổ khối cộng sản Đông Âu. Ngày nay Hungary là một quốc gia dân chủ theo thể chế Cộng hòa và có mức thu nhập cao, và đang trong quá trình phát triển mạnh để trở thành một nước phát triển theo tiêu chuẩn của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF).

30 năm, một chặng đường

Ba mươi năm là khoảng thời gian ngắn ngủi so với dòng lịch sử loài người. Nhưng 30 năm là một chặng đường đủ dài để một đất nước cất cánh nếu có một chương trình canh tân phù hợp.

Sự hưng thịnh và tiến bộ của đất nước Phù Tang đã vươn lên vào giữa thập niên 1970, sau những nỗ lực canh tân khởi đi từ đống tro tàn khủng khiếp của Thế chiến Thứ hai năm 1945. Nam Hàn và Đài Loan cũng trở thành con Rồng Châu Á vào đầu thập niên 1990 sau khi chính quyền Phác Chánh Hy và Tưởng Giới Thạch bắt đầu chương trình cải cách vào đầu thập niên 60 để thoát cảnh nghèo đói.

Tám quốc gia tại Đông Âu cũng vậy, nếu trận động đất chính trị năm 1989 đã đưa đến việc giải phóng người dân và xã hội ra khỏi khuôn thước giáo điều Mác - Lênin, thì làn sóng dân chủ và kinh tế thị trường đã giúp các quốc gia này phục hồi nhanh chóng và ngày nay, họ đã trở thành những nước công nghiệp tiên tiến trong khối Liên Âu.

Việt Nam vào năm 1989 cũng ở vào hoàn cảnh tương tự như 8 quốc gia Đông Âu: nghèo nàn, lạc hậu và bị thế giới cô lập. GDP bình quân đầu người Việt Nam vào lúc đó chỉ đạt mức 98 Mỹ kim/người, thua cả Lào (186 Mỹ Kim) và Campuchia (191 Mỹ Kim). Thay vì đi theo con đường thoát Cộng của tám quốc gia Đông Âu thời đó, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã lấy Trung Quốc làm mẫu mực, tiếp tục “xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” với sự ra đời của bản Cương lĩnh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII vào tháng 6 năm 1991, nửa năm sau khi Liên Bang Xô Viết giải thể.

Không ai đoán được hiệu ứng domino năm 1989

Năm 1989, trận bão dân chủ đã thổi mạnh mẽ đến Đông Âu, quét sạch thành trì vô sản chuyên chính do Stalin xây dựng vào những năm sau Thế chiến Thứ hai. Chiến tranh lạnh chấm dứt và các dân tộc của vùng đất này đã được hồi sinh, vươn mình đứng dậy sau hơn bốn thập niên dài sống trong gọng kềm của chủ nghĩa cộng sản.

Nhiều nhà phê bình nhìn lại thời kỳ này đã cho rằng việc đế quốc Liên Bang Xô Viết sụp đổ theo cách như đã xảy ra là điều tất yếu. Đa số cho rằng đó là trường hợp tiêu biểu của một đế quốc khi bành trướng quá rộng, khiến không còn đủ sức giữ những tiền đồn vừa xa, vừa đầy trắc trở.

Nhìn lại thì người ta có thể nói như thế, nhưng nếu theo dõi những diễn biến đấu tranh khởi đi từ Công Đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan vào thập niên 1980, đến những cuộc tuần hành với hàng trăm ngàn người xuống đường đòi tự do bị đàn áp dã man ở Tiệp Khắc, Đông Đức, Hungary hay Romania trong các năm 1987 và 1988, thì sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại những quốc gia này không hề “tất yếu” chút nào. Nếu công an không xả súng vào họ để bảo vệ chế độ, thì lính Xô-Viết vẫn có thể bắn để bảo vệ đế quốc. Hồng Quân Liên Xô đã từng làm như thế vào các năm 1956 ở Warsaw và 1968 ở Praha. Hơn nữa, Hồng Quân Liên Xô có nửa triệu quân đóng tại Đông Âu, không phải là không thể ra tay.

Nhưng rồi, cả một hệ thống, một đế chế, một khuôn mẫu đã bị quét sạch cùng với hàng trăm lãnh tụ vừa độc tài vừa bất tài, lại tham nhũng và độc ác. Điều may mắn cho nhân loại là các chuyển biến đã diễn ra trong một thời gian kỷ lục với rất ít bạo động, chỉ trừ vài ngày ở Romania.

Khi nói tới biến cố Đông Âu, người ta gom chung để nói về tám nước chư hầu bị Liên Xô nhuộm đỏ sau Thế chiến Thứ hai, gồm: Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Bulgary, Đông Đức, Romania, Albania và Nam Tư. Nhưng trong thực tế, sự sụp đổ của khối Cộng sản tại Đông Âu đến từ ba cuộc đấu tranh rất đặc thù diễn ra lần lượt tại ba quốc gia: Ba Lan, Đông Đức và Tiệp Khắc, và từ đó tạo ra hiệu ứng Domino cho toàn khối Đông Âu.

Các chuyển biến diễn ra quá nhanh, như lời Giáo sư Timothy Garton Ash, chuyên gia về lịch sử Trung Âu, nhận xét về tốc độ sụp đổ của các chế độ cộng sản: Ba Lan mất mười năm tranh đấu, Đông Đức tốn mười tuần, và Tiệp Khắc vỏn vẹn 10 ngày.

Đông Âu trong gọng kềm Liên Xô

Tình hình Đông Âu vào năm 1989 là kết quả của một chuỗi biến cố xảy ra từ những sự kiện trước đó đưa đến Thế chiến Thứ nhất, rồi sự xuất hiện của chế độ Xô Viết tại nước Nga, sự hình thành và bành trướng của Đức Quốc Xã, kế đó là Thế chiến Thứ hai, và vai trò của Stalin trong việc phát triển vòng đai đỏ chung quanh đế quốc Xô Viết, đưa đến cuộc Chiến tranh Lạnh giữa hai cực Cộng sản-Tự do kéo dài nhiều thập niên.

Ngược dòng lịch sử lên đến khoảng đầu thế kỷ 20, các đế quốc Đức-Áo-Hung tại giữa Âu Châu đã phát triển thế lực trong lục địa, đe dọa các nước lân bang. Phản ứng của Âu Châu là thế liên hợp tay ba Pháp-Nga-Anh làm hàng rào ngăn chận. Sự bùng vỡ của những tranh chấp cục bộ tại Trung Âu (khi đó ý niệm Đông Âu chưa ra đời) sau chiến tranh Balkans (1912-1913) và giữa các sắc dân vùng Trung Âu (sau này kết hợp thành các nước như Ba Lan, Tiệp Khắc, Nam Tư, và Rumania) đã châm ngòi cho Thế chiến Thứ nhất. Liên Minh Tay Ba (Triple Alliance) là Đức-Áo-Hung ở giữa lục địa Âu Châu bung ra tấn công Liên Hiệp Tay Ba (Triple Entente) là Pháp-Nga-Anh tại vùng ngoại biên.

Tháng 3 năm 1917, Nga Hoàng Nicolas II không còn điều khiển được tình hình trong nước đành phải thoái vị và một chính phủ lâm thời được lập ra, nhưng cũng không lật ngược được tình thế vì dân và lính Nga không còn muốn tham chiến nữa. Lợi dụng tình hình này, phe Bolchevik của Lênin tung khẩu hiệu "hòa bình và cơm áo" làm cuộc đảo chánh mà sau này những người Cộng sản gọi là Cách mạng tháng Mười, cướp chính quyền và rút khỏi cuộc chiến. Nga trở thành Liên Bang Xô Viết từ đó. Trong khi chính phủ lâm thời của Nga được thành lập thì Hoa Kỳ cũng bắt đầu bị lôi vào cuộc chiến, và kịp thời tham dự bên cạnh Anh và Pháp vào tháng 4 năm 1917 trước khi Nga rút ra khỏi Liên Hiệp Tay Ba.

Quá trình tan rã của các đảng cộng sản Đông Âu

Sự sụp đổ của các chế độ cộng sản tại Đông Âu đã xảy ra trong một thời gian kỷ lục, một phần là do Liên Xô tung ra chính sách tự cứu vào năm 1985, sau khi Gorbachev lên làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô. Nói cách khác, Liên Xô đã đánh mất quyết tâm duy trì đế quốc của mình. Dĩ nhiên, những lãnh tụ ở Điện Kremlin cũng có thể để sự suy tàn diễn ra từ từ, trải qua nhiều thập niên như đế quốc Ottoman xưa kia, nhưng đã không thể cưỡng lại sức bật của lòng khao khát tự do từ người dân các nước.

Khi mẫu mực cộng sản của mình bị phá sản, đến nỗi mất luôn khả năng bành trướng và phải quay sang cầu cạnh Tây phương để tìm cách cứu nguy kinh tế, Liên Xô đã không thể nào tiếp tục chi viện cả quân sự lẫn kinh tế và ép buộc các nước Đông Âu trôi theo đà phá sản đó nữa. Thêm vào đó, vì không thể duy trì liên minh quân sự để trấn áp thế giới tự do, và vì không thể tiếp tục bao cấp cho các nước chư hầu trước tình trạng đói loạn ngay tại mẫu quốc, Liên Xô đã buông tay thả lỏng cho các nước chư hầu với chính sách "mạnh ai nấy lo" để mỗi chế độ phải xoay trở tự cứu lấy mình trong cơn khủng hoảng chung của thế giới cộng sản.

Chính sách tự cứu này đã khiến Liên Xô không còn khả năng chi phối các nước Đông Âu khi những chế độ tại đây cũng bất lực trước những đòi hỏi chính đáng của người dân về việc cải thiện cuộc sống và thay đổi chính trị ở nước họ. Kết quả là những cuộc biểu tình rầm rộ của quần chúng đã đưa đến sự sụp đổ của hàng loạt các nước cộng sản tại Đông Âu, biến thành mũi dao đâm ngược vào chế độ Liên Xô sau đó.