Saturday, November 9, 2019

Lời cảm tạ

Nhân dịp chuẩn bị soạn một bài nói chuyện đánh dấu 30 năm cuộc Tổng tuyển cử tự do đầu tiên tại Ba Lan, dẫn đến sự thắng lợi bất ngờ của Công Đoàn Đoàn Kết vào tháng 6, 1989, chúng tôi mới có dịp gom lại một số bài phân tích đã từng viết trong các năm qua về biến cố Đông Âu, và chợt nẩy ra ý muốn tóm lược các biến cố lịch sử này cùng so sánh những thành quả của các quốc gia đã thoát ách cộng sản 30 năm về trước với hiện tình Việt Nam ngày nay như một bài học giá trị cho dân tộc chúng ta về nhu cầu dân chủ hóa đất nước.

Nhưng để sắp xếp các bài viết này theo một chuỗi các sự kiện phức tạp, sống động và lý thú, nếu không có Tiến sĩ Trần Diệu Chân, một cộng tác viên đắc lực và thân thương nhất của tác giả giúp hoàn chỉnh về nội dung, sắp xếp các vấn đề trình bày theo thời gian, thì tác phẩm này đã không thể đến tay quý độc giả kịp thời vào dịp kỷ niệm 30 năm biến cố Đông Âu. Ngoài ra, nhà văn Trùng Dương Nguyễn Thị Thái, cựu Chủ nhiệm Nhật báo Sóng Thần ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, một người chị thân quý của gia đình, đã giúp hiệu đính và nhuận lại cú pháp, trước khi tập sách được đem in. Tác giả xin chân thành tri ân hai nữ lưu trân quý đã hết lòng giúp đỡ để tập sách được hoàn chỉnh trong một thời gian kỷ lục.

Điều quan trọng nữa là nếu không có người lo kỹ thuật, lay out bìa và nội dung thì quyển sách này cũng không thể nhanh chóng xuất bản đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm Bức Tường Berlin sụp đổ vào ngày 9 tháng 11, 2019. Tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn đến anh Cao Xuân Ánh, một người rất nghệ sĩ, vừa hát hay, vừa vẽ và design rất đẹp, nhưng trên hết là một người bạn chí tình, rất dễ thương và luôn quan tâm, thương quý mọi người.

Sau cùng, một động lực khác khiến tác giả cố gắng hoàn tất tập sách này là để dành tặng đặc biệt cho bốn người bạn, 4 người chiến hữu thân thương, đã từng gắn bó với nhau trong nhiều năm hoạt động. Đó là các anh Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Hoàng, Phan Văn Phến và anh Trần Quốc Dũng đã giúp cho chúng ta một phương tiện để thực hiện giấc mơ Canh Tân Việt Nam, đó là thành lập quỹ Vietnam Reform Foundation (VRF).

Tác giả mong ước rằng những tài chánh có được qua việc phổ biến tập sách này, sẽ dành hết cho quỹ VRF để góp phần chuẩn bị cho tiến trình canh tân Việt Nam hậu Cộng sản.

Trân trọng,

Lý Thái Hùng
30 tháng Chín, 2019

Bản đồ 8 quốc gia cộng sản tại Đông Âu trước 1989


Chi tiết về 8 quốc gia tại Đông Âu

BA LAN (POLAND): hiện có khoảng 39 triệu dân, đa phần (95%) theo đạo Công giáo. Sau Thế chiến Thứ hai, Ba Lan bị Liên Xô khống chế. Trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên tại Ba Lan vào tháng 6, 1989, Công đoàn Đoàn kết đã đánh bại những ứng viên của đảng cộng sản. Năm 1999 Ba Lan gia nhập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), và năm 2004 tham gia vào Liên minh Âu châu (EU). Nền kinh tế Ba Lan hiện đứng hàng thứ sáu trong Liên Âu.

TIỆP KHẮC (CZECHOSLOVAKIA): còn gọi tắt là Tiệp: từ năm 1939 tới 1945 quốc gia này trên thực tế không tồn tại, vì bị bắt buộc giải tán và sáp nhập một phần vào nước Đức Phát xít. Năm 1945 bị Liên Xô khống chế. Năm 1989 cuộc cách mạng Nhung bùng nổ, Tiệp khắc trở thành quốc gia dân chủ. Ngày 1 tháng 1, 1993 Tiệp Khắc chia thành hai quốc gia: Cộng hòa Slovakia hiện có 10 triệu dân và Cộng hòa Tiệp hiện có 16 triệu dân.

HUNGARY: nằm trong gọng kềm Liên Xô từ năm 1946. Cuộc chính biến 1956 và sự kiện Hungary mở cửa đường biên giới với Áo vào tháng 5, 1989, giúp cho người dân Đông Đức chạy trốn qua Tây Đức, khởi đầu sự sụp đổ khối cộng sản Đông Âu. Ngày nay Hungary là một quốc gia dân chủ theo thể chế Cộng hòa và có mức thu nhập cao, và đang trong quá trình phát triển mạnh để trở thành một nước phát triển theo tiêu chuẩn của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF).

30 năm, một chặng đường

Ba mươi năm là khoảng thời gian ngắn ngủi so với dòng lịch sử loài người. Nhưng 30 năm là một chặng đường đủ dài để một đất nước cất cánh nếu có một chương trình canh tân phù hợp.

Sự hưng thịnh và tiến bộ của đất nước Phù Tang đã vươn lên vào giữa thập niên 1970, sau những nỗ lực canh tân khởi đi từ đống tro tàn khủng khiếp của Thế chiến Thứ hai năm 1945. Nam Hàn và Đài Loan cũng trở thành con Rồng Châu Á vào đầu thập niên 1990 sau khi chính quyền Phác Chánh Hy và Tưởng Giới Thạch bắt đầu chương trình cải cách vào đầu thập niên 60 để thoát cảnh nghèo đói.

Tám quốc gia tại Đông Âu cũng vậy, nếu trận động đất chính trị năm 1989 đã đưa đến việc giải phóng người dân và xã hội ra khỏi khuôn thước giáo điều Mác - Lênin, thì làn sóng dân chủ và kinh tế thị trường đã giúp các quốc gia này phục hồi nhanh chóng và ngày nay, họ đã trở thành những nước công nghiệp tiên tiến trong khối Liên Âu.

Việt Nam vào năm 1989 cũng ở vào hoàn cảnh tương tự như 8 quốc gia Đông Âu: nghèo nàn, lạc hậu và bị thế giới cô lập. GDP bình quân đầu người Việt Nam vào lúc đó chỉ đạt mức 98 Mỹ kim/người, thua cả Lào (186 Mỹ Kim) và Campuchia (191 Mỹ Kim). Thay vì đi theo con đường thoát Cộng của tám quốc gia Đông Âu thời đó, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã lấy Trung Quốc làm mẫu mực, tiếp tục “xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” với sự ra đời của bản Cương lĩnh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII vào tháng 6 năm 1991, nửa năm sau khi Liên Bang Xô Viết giải thể.

Không ai đoán được hiệu ứng domino năm 1989

Năm 1989, trận bão dân chủ đã thổi mạnh mẽ đến Đông Âu, quét sạch thành trì vô sản chuyên chính do Stalin xây dựng vào những năm sau Thế chiến Thứ hai. Chiến tranh lạnh chấm dứt và các dân tộc của vùng đất này đã được hồi sinh, vươn mình đứng dậy sau hơn bốn thập niên dài sống trong gọng kềm của chủ nghĩa cộng sản.

Nhiều nhà phê bình nhìn lại thời kỳ này đã cho rằng việc đế quốc Liên Bang Xô Viết sụp đổ theo cách như đã xảy ra là điều tất yếu. Đa số cho rằng đó là trường hợp tiêu biểu của một đế quốc khi bành trướng quá rộng, khiến không còn đủ sức giữ những tiền đồn vừa xa, vừa đầy trắc trở.

Nhìn lại thì người ta có thể nói như thế, nhưng nếu theo dõi những diễn biến đấu tranh khởi đi từ Công Đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan vào thập niên 1980, đến những cuộc tuần hành với hàng trăm ngàn người xuống đường đòi tự do bị đàn áp dã man ở Tiệp Khắc, Đông Đức, Hungary hay Romania trong các năm 1987 và 1988, thì sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại những quốc gia này không hề “tất yếu” chút nào. Nếu công an không xả súng vào họ để bảo vệ chế độ, thì lính Xô-Viết vẫn có thể bắn để bảo vệ đế quốc. Hồng Quân Liên Xô đã từng làm như thế vào các năm 1956 ở Warsaw và 1968 ở Praha. Hơn nữa, Hồng Quân Liên Xô có nửa triệu quân đóng tại Đông Âu, không phải là không thể ra tay.

Nhưng rồi, cả một hệ thống, một đế chế, một khuôn mẫu đã bị quét sạch cùng với hàng trăm lãnh tụ vừa độc tài vừa bất tài, lại tham nhũng và độc ác. Điều may mắn cho nhân loại là các chuyển biến đã diễn ra trong một thời gian kỷ lục với rất ít bạo động, chỉ trừ vài ngày ở Romania.

Khi nói tới biến cố Đông Âu, người ta gom chung để nói về tám nước chư hầu bị Liên Xô nhuộm đỏ sau Thế chiến Thứ hai, gồm: Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Bulgary, Đông Đức, Romania, Albania và Nam Tư. Nhưng trong thực tế, sự sụp đổ của khối Cộng sản tại Đông Âu đến từ ba cuộc đấu tranh rất đặc thù diễn ra lần lượt tại ba quốc gia: Ba Lan, Đông Đức và Tiệp Khắc, và từ đó tạo ra hiệu ứng Domino cho toàn khối Đông Âu.

Các chuyển biến diễn ra quá nhanh, như lời Giáo sư Timothy Garton Ash, chuyên gia về lịch sử Trung Âu, nhận xét về tốc độ sụp đổ của các chế độ cộng sản: Ba Lan mất mười năm tranh đấu, Đông Đức tốn mười tuần, và Tiệp Khắc vỏn vẹn 10 ngày.

Đông Âu trong gọng kềm Liên Xô

Tình hình Đông Âu vào năm 1989 là kết quả của một chuỗi biến cố xảy ra từ những sự kiện trước đó đưa đến Thế chiến Thứ nhất, rồi sự xuất hiện của chế độ Xô Viết tại nước Nga, sự hình thành và bành trướng của Đức Quốc Xã, kế đó là Thế chiến Thứ hai, và vai trò của Stalin trong việc phát triển vòng đai đỏ chung quanh đế quốc Xô Viết, đưa đến cuộc Chiến tranh Lạnh giữa hai cực Cộng sản-Tự do kéo dài nhiều thập niên.

Ngược dòng lịch sử lên đến khoảng đầu thế kỷ 20, các đế quốc Đức-Áo-Hung tại giữa Âu Châu đã phát triển thế lực trong lục địa, đe dọa các nước lân bang. Phản ứng của Âu Châu là thế liên hợp tay ba Pháp-Nga-Anh làm hàng rào ngăn chận. Sự bùng vỡ của những tranh chấp cục bộ tại Trung Âu (khi đó ý niệm Đông Âu chưa ra đời) sau chiến tranh Balkans (1912-1913) và giữa các sắc dân vùng Trung Âu (sau này kết hợp thành các nước như Ba Lan, Tiệp Khắc, Nam Tư, và Rumania) đã châm ngòi cho Thế chiến Thứ nhất. Liên Minh Tay Ba (Triple Alliance) là Đức-Áo-Hung ở giữa lục địa Âu Châu bung ra tấn công Liên Hiệp Tay Ba (Triple Entente) là Pháp-Nga-Anh tại vùng ngoại biên.

Tháng 3 năm 1917, Nga Hoàng Nicolas II không còn điều khiển được tình hình trong nước đành phải thoái vị và một chính phủ lâm thời được lập ra, nhưng cũng không lật ngược được tình thế vì dân và lính Nga không còn muốn tham chiến nữa. Lợi dụng tình hình này, phe Bolchevik của Lênin tung khẩu hiệu "hòa bình và cơm áo" làm cuộc đảo chánh mà sau này những người Cộng sản gọi là Cách mạng tháng Mười, cướp chính quyền và rút khỏi cuộc chiến. Nga trở thành Liên Bang Xô Viết từ đó. Trong khi chính phủ lâm thời của Nga được thành lập thì Hoa Kỳ cũng bắt đầu bị lôi vào cuộc chiến, và kịp thời tham dự bên cạnh Anh và Pháp vào tháng 4 năm 1917 trước khi Nga rút ra khỏi Liên Hiệp Tay Ba.

Quá trình tan rã của các đảng cộng sản Đông Âu

Sự sụp đổ của các chế độ cộng sản tại Đông Âu đã xảy ra trong một thời gian kỷ lục, một phần là do Liên Xô tung ra chính sách tự cứu vào năm 1985, sau khi Gorbachev lên làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô. Nói cách khác, Liên Xô đã đánh mất quyết tâm duy trì đế quốc của mình. Dĩ nhiên, những lãnh tụ ở Điện Kremlin cũng có thể để sự suy tàn diễn ra từ từ, trải qua nhiều thập niên như đế quốc Ottoman xưa kia, nhưng đã không thể cưỡng lại sức bật của lòng khao khát tự do từ người dân các nước.

Khi mẫu mực cộng sản của mình bị phá sản, đến nỗi mất luôn khả năng bành trướng và phải quay sang cầu cạnh Tây phương để tìm cách cứu nguy kinh tế, Liên Xô đã không thể nào tiếp tục chi viện cả quân sự lẫn kinh tế và ép buộc các nước Đông Âu trôi theo đà phá sản đó nữa. Thêm vào đó, vì không thể duy trì liên minh quân sự để trấn áp thế giới tự do, và vì không thể tiếp tục bao cấp cho các nước chư hầu trước tình trạng đói loạn ngay tại mẫu quốc, Liên Xô đã buông tay thả lỏng cho các nước chư hầu với chính sách "mạnh ai nấy lo" để mỗi chế độ phải xoay trở tự cứu lấy mình trong cơn khủng hoảng chung của thế giới cộng sản.

Chính sách tự cứu này đã khiến Liên Xô không còn khả năng chi phối các nước Đông Âu khi những chế độ tại đây cũng bất lực trước những đòi hỏi chính đáng của người dân về việc cải thiện cuộc sống và thay đổi chính trị ở nước họ. Kết quả là những cuộc biểu tình rầm rộ của quần chúng đã đưa đến sự sụp đổ của hàng loạt các nước cộng sản tại Đông Âu, biến thành mũi dao đâm ngược vào chế độ Liên Xô sau đó.

Việt Nam trong cơn bão dân chủ tại Đông Âu

Cuộc cách mạng dân chủ tại Đông Âu đã tác động mạnh mẽ vào Việt Nam. Lúc đó, từng người, tùy theo vị trí trong xã hội, đã có những phản ứng khác nhau.

Giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam thì cố bưng bít mọi tin tức hoặc diễn giải sai lạc về những diễn biến xảy ra ở các nước Đông Âu và cương quyết chống lại xu hướng đa nguyên chính trị, cho đó là đầu dây mối nhợ đưa đến sự sụp đổ của chế độ và sự mất độc quyền cai trị của đảng. Họ tiếp tục cố thủ trong lô cốt giáo điều Mác-Lê để duy trì độc quyền cai trị, dù biết là chủ nghĩa này đã phá sản.

Giới trí thức, văn nghệ sĩ và một số đông cán bộ đảng viên thì nhìn rõ là chủ nghĩa Mác - Lê không còn là ý thức hệ “ưu việt” như họ đã bị nhồi nhét và tin tưởng một cách mù quáng trong quá khứ. Trong số này, đã có người can đảm nhìn ra rằng chính ý thức hệ Mác - Lê đang là chướng ngại ngăn cản đà phát triển của đất nước và sự tiến bộ của dân tộc. Đặc biệt là đã có một số văn nghệ sĩ viết bài ca ngợi dân chủ đa nguyên và tố cáo những tệ nạn trong xã hội do chế độ cực quyền sản sinh ra.

Trong khi đó, vì bị chế độ bưng bít mọi luồng thông tin từ bên ngoài và bị bộ máy tuyên truyền diễn dịch sai lạc về mục tiêu đấu tranh của các phong trào dân chủ tại Đông Âu, đại đa số quần chúng ở trong nước đã không có nhận thức rõ ràng về các biến cố này nên đã tỏ thái độ thờ ơ. Một thiểu số tuy biết rõ các diễn biến nhờ những liên lạc và tin tức chia xẻ từ một số người thân đang tu nghiệp hoặc đang lao động tại các nước Đông Âu, nhưng cũng chỉ có phản ứng chờ đợi.

Đông Âu hậu cộng sản và Việt Nam ngày nay

Biến cố Đông Âu đã đưa đến nhiều thay đổi khác nhau trong hàng ngũ lãnh đạo thượng tầng của các đảng Cộng sản, tùy theo sự khôn ngoan và nhanh chóng thoái lui nhượng bộ của họ trước những phản ứng đấu tranh của quần chúng. Chỉ riêng trường hợp vợ chồng Nicolae Ceausescu, cựu chủ tịch nhà nước Romania, đã bị xử tử hình sau phiên tòa đặc biệt kéo dài không quá 1 giờ đồng hồ vào ngày 25 tháng 12, 1989, còn lại các giới lãnh đạo khác không bị đe dọa đến sinh mệnh.

Cựu tổng bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng nhà nước Bulgaria là Todor Zhivkov bị đưa ra tòa vào năm 1992, vì tội biển thủ tài sản quốc gia trong 35 năm cai trị, lãnh án 7 năm cấm cố; nhưng vì tuổi quá già nên được miễn thọ án.

Cựu Tổng thống Wojciech Jaruzelski (Chủ tịch đảng Cộng sản Ba Lan, người đã ra lệnh đàn áp dã man Công đoàn Đoàn kết vào đầu thập niên 1980), đã về hưu năm 1990, sau đó viết hồi ký. Ngày 14 tháng 11, 1994, Jaruzelski đang ngồi ký tên lưu niệm cho quan khách tham dự buổi ra mắt quyển hồi ký của mình tại một tiệm sách ở phía tây thành phố Brotswarf thì bị một thanh niên ném đá làm sưng mặt. Thanh niên này sau đó bị cảnh sát bắt, và cung khai là từng bị ở tù dưới thời Jaruzelski đàn áp Công đoàn Đoàn kết.

Tại Tiệp Khắc, cựu tổng bí thư đảng Cộng sản Tiệp Khắc, Gustav Husak (nổi tiếng về vụ cầu cứu Hồng quân Liên Xô để đàn áp cuộc nổi dậy của quần chúng vào năm 1968), đã bị thất sủng năm 1989, nhưng vẫn không bị chính quyền mới gây khó khăn. Gustav Husak chết vì bệnh vào tháng 1 năm 1991. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Adamec và cựu tổng bí thư sau cùng của đảng Cộng sản Tiệp Khắc, Milos Jakes, đã về hưu, sống với tiền trợ cấp hưu bổng. Cả hai người này đã từng ra trước Quốc hội để trả lời về một số vấn đề liên quan đến các cuộc đàn áp trong quá khứ, nhưng không bị buộc tội.

Hình Ảnh - Liên Xô và Đông Âu

Hồng Quân Liên Xô đã tiến vào phía Đông thành phố Berlin vào chiều ngày 30 tháng 4,1945. Kể từ đó nước Đức bị chia đôi và Thành phố Berlin bị 4 nước chiếm đóng. Liên Xô kiểm soát phía Đông còn Hoa Kỳ, Anh, Pháp kiểm soát phía Tây.Photo by Corbis.


Hồng Quân Liên Xô và chiến xa chiếm đóng các đường phố chính của Hungary trong sự biến năm 1956. Photo by Corbis

Kháng chiến quân A Phú Hãn đã nổi dậy chống lại cuộc xâm lược của Liên Xô vào năm 1979. Cuộc chiến này đã làm cho Liên Xô sa lầy và kiệt quệ mọi mặt và phải triệt thoái vào năm 1989. Photo by AP/AFP/Getty Images.

Một nhóm Spetsnaz (lực lượng đặc biệt) Liên Xô chuẩn bị thi hành nhiệm vụ tại A Phú Hãn năm 1988. Photo by reddit.com

Xe tăng Liên Xô bị lực lượng du kích A Phú Hãn đánh úp và khống chế. Photo by Corbis.

Trọng Pháo của Liên Xô bị du kích A Phú Hãn tịch thu. Photo by Corbis

Thành phần lãnh đạo sau cùng của đảng Cộng sản Liên Xô được bầu lên trong Đại Hội Đảng Lần Thứ 27 vào tháng 3, 1985.Tổng Bí Thư Gorbachev đứng giữa, bên tay trái là Thủ tướng Andrei Gromyko. Photo by AFP/Getty Images

Ông Gorbachev và vợ, bà Raisa trong một chuyến công du Ba Lan vào năm 1988. Photo by RIA Novosti archive.

Dân Đông Berlin đã vẽ khẩu hiệu “Cảm ơn – Gorbi (tên hiệu của Gorbachev) vì đã áp lực nhà độc tài Đông Đức Honecker phải thay đổi. Photo by RIA Novosti Archive.

Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Liên Bang Xô Viết gặp các nhà lãnh đạo Cộng sản tại Đông Âu vào ngày 26 tháng 8, 1985, đề nghị tiến hành chính sách cải tổ và mở cửa giao thương với các quốc gia Tây Âu. Tham dự cuộc họp gồm (từ trái qua phải) Nicolae Ceausescu (Romania), Janos Kadar (Hung Gia Lợi), Michail Gorbachev (Liên Xô), Wojciech jaruzelski (Ba Lan), Todo Zivkov (Bulgaria), Erich Honecker (Đông Đức), Gustav Husak (Tiệp Khắc). Photo by AFP/Getty Images.

Tổng Thống mới đắc cử George H. Bush, Tổng thống đương nhiệm Ronald Reagan đón tiếp Tổng Bí Thư Gorbachev tại New York, tháng 12, 1987. Photo by Corbis.


Khối Liên Xô chính thức tan rã: Lãnh đạo của các nước Cộng hòa trong Liên Bang Xô Viết đã ký Hiệp định Belovezha chính thức xóa bỏ Liên Bang Xô Viết để thành lập Cộng Đồng Các Quốc Gia Độc Lập (Commonwealth of Independent States) vào 8 tháng 12,1991. Photo by RIA Novosti archive.


Hình Ảnh - Ba Lan

Lech Walesa, người thợ điện vô danh tại xưởng đóng tàu Lê Nin, thành phố Gdańsk được Đức Giáo Hoàng ban phép lành tại Trụ sở Giáo Hội Thiên Chúa Giáo Ba Lan tháng 6,1979, sau trở thành anh hùng của dân tộc Ba Lan. Photo by AFP/Gety Images.

Lech Walesa đã lãnh đạo cuộc đình công của hơn 20.000 công nhân thuộc xưởng đóng tàu Lênin tại thành phố Gdańsk để đòi hỏi quyền thành lập Công Đoàn Độc Lập. Chính quyền Ba Lan đã phải nhượng bộ và công nhận sự hợp pháp của Công Đoàn vào ngày 31 tháng 8,1980. Photo by Krzysztof Korczyński/Ze Zbiorów

Công nhân tụ tập đình công trước Cổng Xưởng đóng tàu Lênin tại Thành Phố Gdańsk, tháng 8, 1980. Photo by Corbis

Đài tưởng niệm 44 Công Nhân đã bị bắn chết ngay trước cổng xưởng đóng tàu Lênin trong cuộc đình công vào tháng 12, 1970.Photo by pixabay.com

Ban lãnh đạo Công Đoàn Đoàn Kết họp báo công bố chương trình hành động chống lại chính sách độc tài của đảng Cộng sản Ba Lan (1981). Photo by pinterest.com

Hàng trăm ngàn công nhân hưởng ứng lời kêu gọi của Công Đoàn Đoàn Kết không đến công sở ra đường biểu tình đòi tự do dân chủ tại Thủ đô Warsaw (1981). Photo by AFP/Getty Images.

Chính quyền Cộng sản Ba Lan ban hành thiết quân Luật ngày 13 tháng 12,1981 và bắt giữ 6.000 cán bộ, lãnh đạo Công đoàn Đoàn Kết. Photo by AFP/Getty Images

Khoảng 500.000 người bao vây Thủ đô Warsaw từ tháng 4 đến tháng 8,1988 khiến cho mọi sinh hoạt bị tê liệt, chính quyền Cộng sản Ba Lan phải chấp thuận đối thoại với Công Đoàn Đoàn Kết. Photo by Wikiwand.com

Ngày 26 tháng 8, 1988, Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Ba Lan Tướng Wojciech Jaruzelski đã phải gặp ông Lech Walesa và đề nghị một cuộc thảo luận Bàn Tròn để chấm dứt tình trạng bế tắc của Ba Lan. Photo by alliance/dpa/adn

Hội Nghị Bàn Tròn được tổ chức tại Cung điện Radziwill, nằm tại Phố cổ Warsaw. Bắt đầu ngày 6 tháng 2 và kết thúc ngày 5 tháng 4, 1989, trải qua 92 cuộc đàm phán. Kết quả Hội Nghị Bàn Tròn là cuộc bầu cử Quốc Hội tự do được tổ chức hai lần vào ngày 4 và 18 tháng 6, 1989. Photo by theguardian.com

Dân chúng Ba Lan lần đầu tiên đi bầu một cách tự do nên tham dự rất đông vào 2 đợt: Đợt I ngày 4 tháng 6 và Đợt II ngày 18 tháng 6,1989 dành cho những ứng viên không đủ quá bán số phiếu. Photo by AP/Getty Images.
Công Đoàn Đoàn Kết đã dành thắng lợi bất ngờ, với 33 ghế trên 35 ghế bầu lại ở Hạ Viện và chiếm 99 ghế trên 100 ghế bầu lại ở Thượng Viện. Photo by Insight.com

Hình Ảnh - Đông Đức & Bức tường Bá Linh

Tổng Bí Thư Liên Xô Leonid Brezhnev ôm hôn Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Đông Đức Erich Honecker, trong Lễ Kỷ Niệm 30 năm thành lập Cộng Hòa Đông Đức vào tháng 10, 1979. Đây là truyền thống mỗi khi Brezhnev sang Đông Đức.Photo by Corbis.

Tháp truyền hình Fernsehturm (cao 368 mét), hoàn thành năm 1969, nằm ở quảng trường Alexanderplatz. là niềm hãnh diện của Đông Đức trước khi sụp đổ năm 1989. Photo by Corbis



Tổng Bí Thư Erich Honecker tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 40 năm ngày thành lập nhà nườc Cộng Hòa Dân Chủ Đức tại Bá Linh vào ngày 7 tháng 10, 1989. Để chứng tỏ với thế giới rằng Đông Đức vẫn còn mạnh nên Honecker đã mời rất đông đảo đại diện các đảng Cộng sản trên toàn thế giới về dự, trong đó có Nguyễn Văn Linh (CSVN), Gorbachev (Liên Xô), Castro (Cuba)... nhưng đây cũng là buổi lễ sau cùng của Honecker. Photo by picture alliance/dpa/adn

Dân Chúng thủ đô Bá Linh biểu tình chống kết quả gian lận trong cuộc bầu cử Hội Đồng Nhân Dân Địa Phương, vào đầu tháng 5, 1989, từ đó làm bùng nổ làn sóng biểu tình chống chính quyền ở khắp các thành phố lớn. Photo by WSWS.org

Ngoại trưởng Peter Varkonyi (Hungary) và Ngoại trưởng Áo Alois Mock (bên trái) cùng cắt bỏ biên giới giữa Hung và Áo vào tháng 5,1989. Photo by telegraph.co.uk

Lợi dụng kỳ nghỉ hè từ tháng 6 tới tháng 8, 1989, hàng ngàn người dân Đông Đức đã dẫn dắt nhau tràn qua biên giới Hung – Áo để xin tỵ nạn Tây Đức. Photo by Corbis

Người dân Đông Đức đã tràn ngập Tòa Đại Sứ Tây Đức ở Praha hết chỗ chứa, khiến cho chính quyền Tây Đức phải thương lượng với Đông Đức để dùng xe lửa chở người tỵ nạn băng qua lãnh thổ Đông Đức đi vào Tây Đức. Photo by the vieweast.worpress.com

Đoàn xe lửa đưa người tỵ nạn Đông Đức về đến Hof, tiểu bang Bayern, được dân chúng Tây Đức chào đón vào ngày 5 tháng 10, 1989.Photo by alliance/DPA.

Hàng trăm ngàn người biểu tình đòi Tổng Bí Thư Honecker từ chức vào tối ngày 16 tháng 10, 1989 ở Leipzig. Photo by wikipedia.com

Non 1 triệu người tham dự cuộc biểu tình tại Quảng trường Alexanderplatz ngày 4 tháng 11, 1989, đòi Đông Đức thay đổi. Những biểu ngữ trong ngày biểu tình này đã lưu giữ trong viện bảo tàng Quốc Gia của nước Đức. Photo by theguardian.com

Trạm kiểm soát trên đường Bornholmer (Đông Berlin) là nơi mở cổng đầu tiên cho dân chúng bên Đông và Tây Berlin qua lại vào đêm mồng 9 tháng 11, 1989. Hình chụp lúc 12:45 sáng. Photo by DPA/Reuteur.

Trạm kiểm soát Charlie (Đông Berlin) là trạm thứ hai mở cửa trước áp lực của người dân vào đêm 9 tháng 11,1989. Photo by AFP/Getty Images.

Dân chúng vui mừng về sự kiện bức tường Berlin sụp đổ đêm 9 tháng 11, 1989, dẫn đến việc thống nhất nước Đức và chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh, tại Công Trường Brandenburg sáng mồng 10 tháng 11, 1989. Photo by theatlantic.com


Công Trường Brandenburg vào sáng ngày 10 tháng 11, 1989. Photo by CNN, BBC

Nước Đức tổ chức kỷ niệm 25 năm (1989-2014) ngày bức Tường Bá Linh sụp đổ trước cổng thành Brandenberg và ngày 10 tháng 11, 2014. Photo by Corbis

Hình Ảnh - Tiệp Khắc


Công Trường Wencesles và Đại Lộ National, nơi đã diễn ra các cuộc chính biến lịch sử của Tiệp Khắc vào những năm 1914, 1939, 1968 và 1989. Photo by Peter Stehlik en.wikipedia.com


Ban nhạc Rock có tên “Plastic People of Universe” đã tạo một phong trào trẻ phản kháng tại Tiệp Khắc trong thập niên 70 trước khi phong trào Hiến Chương 77 ra đời. Photo by Slow.Journalism.com

Kịch tác gia Vaclav Havel là linh hồn của Nhóm Hiến Chương 77 và cũng là người lãnh đạo Diễn đàn Dân sự năm 1989, để khởi động phong trào bất tuân dân sự tại Tiệp Khắc. Photo by hedailybeast.com


Nhà hát Magic Lantern (Đèn Thần) còn có tên là Hí Viện Quốc Gia, được chọn làm tổng hành dinh của Diễn đàn Dân sự nơi mà Kịch tác Gia Vaclav Havel cùng với giới trí thức, văn nghệ sĩ và nhiều cựu lãnh đạo đảng Cộng sản Tiệp ly khai hội họp, điều hướng cuộc tranh đấu chống chế độ độc tài trong 10 ngày từ 17 đến 27 tháng 11,1989. Photo by Bantam Press.

Kịch tác gia Vaclav Havel nói chuyện trước 500.000 người trong đêm 25 tháng 11, kêu gọi Tổng Đình Công trên toàn quốc vào ngày 27-11-1989 để áp lực chính quyền Tiệp Khắc từ chức. Photo by bostonglobe.com

Sau khi Kịch tác gia Vaclav Havel từ trần vào ngày 8  tháng 11,2011, ở tuổi 75, điêu khắc gia Kurt Gebauer đã tạo hình trái tim bên di ảnh của Havel tại lối vào của Nhà hát Đèn Thần, tức Hí Viện Quốc Gia để mọi người cùng tưởng nhớ. Photo by Ly Thai Hung (2019).

Đại Lộ Narodni cạnh Hí Viện Quốc Gia tại Prague - nơi diễn ra câu chuyện sinh viên khoa toán, tên là Adam Smid bị công an đánh chết nhưng thực tế chỉ là tin phịa của công an để tạo áp lực phe giáo điều ở trong đảng, nhưng cuối cùng bị đẩy thành áp lực của quần chúng dẫn đến sự tan rã chế độ độc tài cộng sản tại Tiệp Khắc. Photo by dreamtimes.com

Cuộc cách mạng Tiệp Khắc diễn ra trong 10 ngày từ 17-11 đến 27-11,1989 diễn ra trong ôn hòa. Do đấy, nữ giáo sư Rita Klimova, thành viên nhóm Hiến Chương 77, đặt tên là Cách Mạng Nhung. Photo by adst.org

Tổng Thống Valac Havel (Tiệp) và Tổng Thống Lech Walesa (Ba Lan) trao đổi thân mật những kinh nghiệm trong đời sống, nhất là kinh nghiệm bỏ hút thuốc tại quán bia ở Warsaw (3,1998). Photo by Corbis.